Hà Giang đang thay đổi diện mạo, vị thế
Theo Tỉnh ủy Hà Giang, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Để có thể phát triển nhanh và bền vững, trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết một số kiến nghị như hỗ trợ vốn trung ương để triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; hỗ trợ từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện dự án rà phá bom mìn, vật nổ kết hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, giải phóng đất đai tạo sinh kế cho nhân dân các dân tộc đang sinh sống trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc; hỗ trợ giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh; hỗ trợ đưa điện lưới quốc gia về hơn 200 thôn, bản còn lại của tỉnh chưa có điện…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo và ý kiến của các đại biểu; ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Giang, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, làm thay đổi diện mạo, vị thế Hà Giang, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng và các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Hà Giang, cần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa. Chẳng hạn, quy mô kinh tế còn nhỏ; GRDP bình quân đầu người còn thấp; thu ngân sách nhà nước chưa đủ chi; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là “điểm nghẽn”; tỷ lệ nghèo còn cao (năm 2022 là 37,08%, cao nhất nước), có 7/10 huyện là huyện nghèo…
Để luôn là “phên giậu” vững chắc của Tổ quốc
Trên cơ sở phân tích tình hình, vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh, những kết quả cũng như hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, Thủ tướng quán triệt quan điểm, nhiệm vụ để Hà Giang phát triển nhanh, bền vững, luôn là “phên giậu” vững chắc của Tổ quốc.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Giang phải luôn ghi nhớ và thực hiện 8 lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khi Người đến thăm Hà Giang, năm 1961; tiếp tục giữ vững đoàn kết; quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Hà Giang phải luôn khát khao phát triển nhanh, xanh và bền vững trên cơ sở phát huy mạnh mẽ những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội. Đẩy mạnh liên kết vùng theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, mạnh dạn kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, Hà Giang phải xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và thực hiện nghiêm túc 3 quy chế bảo vệ biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển. Tỉnh tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa tỉnh với các tỉnh lân cận và các bộ, ngành…
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển; đẩy mạnh triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển. Thủ tướng đề nghị Hà Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng tiến độ, chất lượng trong quý III/2023 với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, khắc phục được các khó khăn, thách thức của địa phương.
Thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực). Rà soát các vướng mắc về thể chế và nêu rõ cơ quan, cấp có thẩm quyền giải quyết, xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển, thu hút đầu tư. Quyết tâm đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số. Chú trọng phát triển, tăng cường hệ thống trường dân tộc nội trú; nghiên cứu xây dựng Trường Đại học Hà Giang đa ngành, đa cấp (đào tạo cả trình độ cao đẳng, trung cấp).
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, đường lối Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Thủ tướng lưu ý Hà Giang chú trọng bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên cơ sở xây dựng, phát triển các mô hình sinh kế cho người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Thủ tướng yêu cầu Hà Giang phối hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc để xây dựng, triển khai đề án cụ thể nhằm đẩy mạnh rà phá bom mìn và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đồng thời, giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại với 2 tỉnh biên giới của Trung Quốc. Thủ tướng đề nghị Hà Giang đẩy mạnh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, khắc phục tình trạng thiếu điện, thiếu sóng viễn thông bằng mọi giải pháp, kêu gọi, huy động các nguồn lực cho nhiệm vụ này…