Thu hút các doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức có chủ đề "Đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn".
Các ý kiến tại Diễn đàn cho rằng hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và trường đại học là xu hướng mang lại hiệu quả cao trong đào tạo nhân lực, trong đó có nhân lực du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua, liên kết “3 bên” này chưa tốt khi mà vai trò trung tâm của Nhà nước trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và trường đại học chưa được thể hiện.
Theo chuẩn của các trường đại học quốc tế thì sinh viên du lịch phải có tỉ lệ lý thuyết và thực hành là 50-50. Thực tập được xem là một trong những thành tố chính của chương trình đào tạo ngành khách sạn. Do đó, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được đánh giá là giải pháp khả thi nhất có thể trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch hiện nay. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng một vấn đề cần giải quyết là ban hành chuẩn chung về nghề du lịch để áp dụng tại các cơ sở đào tạo trên toàn quốc.
Ngành du lịch có đủ hấp dẫn để thu hút nhân tài?
Tại Diễn đàn, Thủ tướng nêu lên 3 câu hỏi, một số gợi ý chiến lược đối với vấn đề nhân lực ngành du lịch Việt Nam, cùng với đó là một số trăn trở của Thủ tướng về chủ đề này, bởi nguồn nhân lực được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu đưa đất nước thoát bẫy thu nhập trung bình, hướng tới mục tiêu phát triển năm 2035 và 2045, nhân 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập Nước.
Câu hỏi thứ nhất Thủ tướng đặt ra là “liệu có đủ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu ngành du lịch hay không?”. Theo Thủ tướng, "câu hỏi sát sườn là ngành du lịch liệu có đủ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút nhân tài, lực lượng lao động có kỹ năng, không những trong nước mà cả quốc tế tham gia vào lĩnh vực này hay không?”.
Các chính sách đào tạo, đãi ngộ, phát triển nghề nghiệp và thu hút nhân tài, lao động có kỹ năng sẽ quyết định khả năng thu hút nguồn nhân lực của chúng ta. Thủ tướng tin rằng những công ty, mô hình kinh doanh hoạt động tốt nhất trong ngành du lịch Việt Nam cũng chính là những đơn vị trả lời tốt nhất câu hỏi này, bởi “các bạn chính là những nhà tuyển dụng tốt nhất, những môi trường làm việc, văn hóa công ty được đánh giá cao so với các công ty trong những ngành và lĩnh vực khác”.
Đây không chỉ là câu hỏi dành cho các doanh nghiệp du lịch, Thủ tướng cũng muốn đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này bởi đây là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu và chúng ta khó có thể áp dụng một chính sách bảo hộ nào vượt trội so với các nước.
|
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Các chính sách nguồn nhân lực không thể được xây dựng một cách rời rạc mà phải được đặt trong tổng thể các chính sách. Môi trường kinh doanh của ngành du lịch, môi trường du lịch nói chung có tác động đến khả năng thu hút nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực này nên cơ chế thu hút con người là quan trọng. Trẻ em ở Hội An, Sapa, kể cả người dân tộc Mông ở đây, lại nói tiếng Anh tốt vì có môi trường và vì thu nhập nên họ phải học.
Nhân lực du lịch không chỉ ở nhà trường…
Thứ hai, Thủ tướng nêu rõ “chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được kỳ vọng chiếm trên 10% GDP, tạo sức lan tỏa sâu rộng cho sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung của cả nước. Vậy, chúng ta đã làm gì để tương xứng với hai chữ ‘mũi nhọn’, làm gì để thu hút được lao động có kỹ năng tham gia vào du lịch, làm gì để tối ưu hóa được nguồn lực sẵn có?”.
Nhân Diễn đàn, Thủ tướng mở rộng nội hàm của chủ đề “nguồn nhân lực du lịch”. Nguồn nhân lực du lịch, theo Thủ tướng, không chỉ ở các công ty du lịch. Đó còn là người dân và các cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch, đặc biệt trong những năm qua, chúng ta đã nói rất nhiều về chủ đề du lịch cộng đồng.
Chính những cộng đồng, người dân này sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Một năm nhu cầu nhân lực du lịch Việt Nam lên đến 40.000 người trong khi cả nước có 346 cơ sở đào tạo nhân lực du lịch nhưng chất lượng lại là vấn đề, liệu các trường có quan tâm học với hành hay không? “Làm trường A, trường B mà không có mô hình thực hành bên cạnh trường thì khoảng cách học hành xa vời lắm”, Thủ tướng nhận xét và nhấn mạnh đây là điều cần thảo luận tại Diễn đàn.
Thủ tướng nêu rõ sự tồn vong của du lịch được quyết định bởi cộng đồng dân cư. Ứng xử của người dân rất quan trọng. Thủ tướng nhắc lại lý do tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại Hội An năm 2016 vì Hội An có cộng đồng làm du lịch rất tốt. “Sáng sớm vào cửa hàng để đo quần áo, mua đồ đạc nhưng không mua, không lấy thì người bán vẫn vui vẻ và hướng dẫn đường cho khách”.
Từ những chị bán chè ven đường, những quán gánh, người lái xe taxi đến bộ phận dân cư liên quan khác đều có vai trò quan trọng, cũng là nhân lực cho phát triển du lịch chứ không chỉ có nhân lực trong các trường học.
Thủ tướng nhấn mạnh trong ngành du lịch, tính hiệu quả của nguồn nhân lực gắn liền với giá trị mà con người mang lại qua chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp. Những người có năng lực, thân thiện, hữu ích có tác động rất lớn đến sự hài lòng của du khách khi đến địa điểm du lịch hơn là các cơ sở hạ tầng xa hoa. “Vậy tại sao chúng ta lại không tìm cách phát huy nguồn lực quan trọng đó? Đó là còn chưa kể chúng ta còn một lực lượng lao động lớn, có trình độ đại học trong các ngành như lịch sử, văn hóa, truyền thông, đối ngoại… Vấn đề là ngành du lịch cần có cơ chế tốt để thu hút họ”.
Bài toán chiến lược cho nguồn nhân lực
Câu hỏi thứ ba Thủ tướng nêu là một câu hỏi có tính chiến lược mà trước hết Thủ tướng muốn dành cho các bộ, ngành. Đảng và Nhà nước ta những năm qua đã xác định thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là 3 đột phá chiến lược hàng đầu. “Vậy, các đồng chí đã xây dựng chiến lược thế nào để nguồn nhân lực thật sự là một đột phá chiến lược đối với chính ngành du lịch Việt Nam?”, Thủ tướng nói. Trả lời chính xác câu hỏi này là trách nhiệm đồng thời của Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT&DL, các địa phương có thế mạnh về du lịch… có sự tham vấn trách nhiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong ngành du lịch.
Dẫn Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch năm 2017 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam đã tăng 8 bậc so với năm 2015, đứng thứ 67 trên toàn cầu, Thủ tướng đặt vấn đề tại sao chúng ta không đứng được ở thứ hạng cao hơn khi mà Việt Nam có nhiều di sản văn hóa, nhiều thắng cảnh tuyệt vời, con người thân thiện… Tại sao chúng ta chỉ đón 15-16 triệu khách quốc tế mà không phải 45-50 triệu khách? Tại sao số lượng du khách đến Việt Nam ít hơn Thái Lan, Singapore và Hong Kong? Chính những người làm trong ngành du lịch, những công ty lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, người dân và nhất là cơ quan quản lý Nhà nước phải trả lời các câu hỏi này.
Thủ tướng nêu rõ du lịch không chỉ là một lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng mà còn là niềm tự hào, là sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam trên toàn cầu. Do vậy, phát triển du lịch không chỉ là một nhiệm vụ kinh tế đơn thuần. Trong mọi hoạch định chiến lược, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt, đặc biệt là trong ngành du lịch, bởi lẽ sự tương tác về phương diện văn hóa và con người sẽ đóng vai trò quyết định đối với sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu.
|
Thủ tướng chứng kiến các đơn vị ký kết dự án hợp tác về du lịch. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng bày tỏ niềm tin rằng với 100 triệu người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, nguồn nhân lực của chúng ta hoàn toàn không thiếu cả lượng lẫn chất. Điều cốt yếu là chúng ta phát huy được tốt nhất những tiềm năng và kỹ năng tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam. Chúng ta cần có một môi trường chính sách tốt, mỗi doanh nghiệp cần có một cơ chế quản trị, chính sách đãi ngộ tương xứng với thành quả, năng lực đóng góp, đồng thời thu hút những lao động có kỹ năng từ các lĩnh vực khác tham gia vào ngành du lịch.
Ngoài ra, các trường đại học, cơ sở đào tạo cần cập nhật giáo trình, phương pháp đào tạo liên quan đến các ngành nghề thuộc lĩnh vực này, đáp ứng tốt các chuẩn mực mang tầm quốc tế cũng như xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch.
Ba chữ “C” quan trọng
Chứ “C” thứ 3 là “Chiến lược”. Bộ VHTT&DL cần đưa tầm nhìn chiến lược dài hạn, phương hướng hành động mỗi năm của ngành du lịch cùng với các ngành để thực thi tốt, cân bằng được giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, trong đó có chiến lược về đào tạo lao động, để không có lúc thừa lúc thiếu, nhất là số lượng đi liền với chất lượng.
“Tôi mong rằng sau buổi hội thảo hôm nay, các bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta cần phải xác định đúng bản chất vấn đề thì mới có thể tháo gỡ được những nút thắt, khó khăn, từ đó xây dựng chiến lược phát triển cho ngành đúng hướng và khả thi, đặc biệt là trong vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về lượng lẫn về chất để ngành du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn khi kết thúc bài phát biểu.