Cầu Cổ Chiên là một công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông.
Cầu Cổ Chiên được khởi công tháng 8/2013 nối hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh là một trong bốn cầu lớn trên Quốc lộ 60, gồm cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Đại Ngãi và là một trong những điểm kết nối quan trọng giữa Quốc lộ 60 với các tuyến Quốc lộ thuộc hành lang duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng.
Việc đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Cổ Chiên sẽ rút ngắn khoảng cách từ TP Hồ Chí Minh đến Trà Vinh, tạo kết nối chặt chẽ giữa Quốc lộ 60 và Quốc lộ 1, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 1, góp phần hình thành một tuyến giao thông hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng trong khu vực và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Đông cũng như toàn vùng Tây Nam Bộ.
Phát biểu tại Lễ thông xe, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương Bộ Giao thông vận tải; tỉnh Trà Vinh; tỉnh Bến Tre; Ban Quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công, các nhà thầu; các cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động trên công trường đã khắc phục nhiều khó khăn, năng động, sáng tạo, ngày đêm lao động miệt mài để công trình cầu Cổ Chiên hoàn thành vượt tiến độ 15 tháng so với kế hoạch để đưa vào sử dụng, hiện thực hóa được ước mơ ngàn đời của đồng bào trong vùng là có được một cây cầu kết nối giữa hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cầu Cổ Chiên được thông xe, đưa vào sử dụng cùng với cầu Rạch Miễu, Hàm Luông và những công trình khác trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng thời gian qua và các công trình đang được đầu tư xây dựng sẽ là điều kiện quan trọng để Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương trong thúc đẩy triển khai các dự án giao thông, nhất là các dự án trọng điểm, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL.
Thủ tướng cũng đề nghị bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Trung ương, các địa phương cũng hết sức quan tâm cân đối ngân sách, năng động, sáng tạo trong trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông vận tải.
Cũng trong sáng 16/5/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát lệnh khởi công xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 - một trong những dự án nhà máy nhiệt điện có quy mô lớn, công nghệ hiện đại do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đây là dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại; có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Hậu Giang, khu vực ĐBSCL và cả nước.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu đặt tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, gồm 2 tổ máy có tổng công suất 1.200 MW, có tổng mức đầu tư trên 43.000 tỷ đồng. Đây là một trong các Dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII; đồng thời là một trong ba Nhà máy Nhiệt điện của Trung tâm Điện lực Sông Hậu với tổng công suất 5.200 MW.