Có hồ sơ để 5-6 tháng không trình lên Thủ tướng
Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, càng khó khăn càng nỗ lực, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2019 của cả nước. Chính phủ chỉ bàn tháo gỡ để tiến lên, không bàn lùi”.
Thủ tướng cũng lưu ý, từ nay tới cuối năm, nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương rất nặng nề. Do đó, các cơ quan này cần cố gắng hơn, đề ra các giải pháp, đối sách khả thi trước mắt và trung hạn, phù hợp với những diễn biến mới, các động thái chính trị, kinh tế, ngoại giao của các nước, các đối tác quốc tế và khu vực.
Các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt nghiêm túc thực hiện phương châm 12 chữ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa các Nghị quyết của Chính phủ, bám sát mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và hàng quý để điều hành; cắt giảm thủ tục hành chính thực chất hơn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh quyết liệt, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở, một số tỉnh phản ánh trình hồ sơ lên các bộ để rất lâu, rất chậm, tinh thần trách nhiệm trong phối hợp không phải đã tốt hết mà còn trắc trở. Do đó, các cơ quan, ban ngành phải xem lại tình trạng tiếp nhận, trình ký hồ sơ tới đâu, có khó khăn phải giải quyết, báo cáo.
“Phần lớn hồ sơ trình tôi ký ngay trong ngày. Nhưng tôi cũng nghe nói có hồ sơ để 5-6 tháng chưa trình lên Thủ tướng. Kỷ luật, kỷ cương phải “hâm nóng” thường xuyên để phục vụ nhân dân tốt hơn”- Thủ tướng cho biết.
Làm rõ trách nhiệm gây chậm trễ đầu tư công
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng chỉ đạo phải tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, không vì tăng trưởng mà vi phạm chỉ tiêu lạm phát. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện tốt chính sách tiền tệ, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Cùng với đó, cần có biện pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hợp lý để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chú trọng hơn nữa công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, không để xảy ra tình trạng mất an toàn. Bộ Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước, siết chặt và tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; tiết kiệm tối đa chi phí tổ chức hội nghị, khánh tiết, công tác nước ngoài...
Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cùng Ban soạn thảo sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công và chủ trương xây dựng Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). “Nghiêm khắc kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2019 gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và chỉ đạo đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Bộ Xây dựng cần theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Theo người đứng đầu Chính phủ, môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính là vấn đề rất quan trọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo đầy đủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 02 tại phiên họp Chính phủ tháng 5, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo… Sớm xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết cụ thể hóa một số chính sách hỗ trợ quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với các vấn đề xã hội, Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, mê tín dị đoan để hoạt động thu lợi bất chính; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các bộ, ngành, địa phương theo phân công cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2019.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, sai phạm trong thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học năm 2018 và những năm trước, đảm bảo không có vùng cấm, tiếp tục lấy lại sự công bằng trong thi cử, rút kinh nghiệm, tiếp tục rà soát các tình huống, nguy cơ để không xảy ra tiêu cực, sai phạm nào trong năm 2019. “Thái độ Chính phủ về vấn đề này rất cương quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo Chính phủ, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra giá điện, vậy kiểm tra cụ thể thế nào, bắt đầu từ đâu? Trong khi thực tế, trước khi tăng giá các bộ, ngành có đánh giá tác động tăng giá, nhưng vừa rồi phải làm lại, vậy trách nhiệm giám sát của Bộ Công Thương ở đâu trong việc tăng giá điện này?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời, trước khi có quyết định tăng giá điện, Bộ Công Thương cùng các cơ quan thẩm định, trong đó có Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và nhiều cơ quan liên quan, đã có đánh giá tác động trình Chính phủ xem khi tăng giá điện ảnh hưởng mặt hàng khác như thế nào. Còn lãnh đạo Chính phủ, cụ thể là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá tác động gián tiếp tăng giá điện, báo cáo lại các cấp có thẩm quyền.
Cũng theo ông Hải, Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước đã thực hiện các biện pháp như: Yêu cầu EVN phải tiếp nhận xử lý giải đáp đầy đủ thắc mắc của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện tháng 4, trong trường hợp có lỗi phải xử lý nghiêm khắc sai phạm.
EVN tiếp tục thông tin, tuyên truyền về việc điều chỉnh giá điện để khách hàng hiểu rõ về cách tính mới, nguyên nhân tăng, mục đích tính giá điện theo bậc thang đối với hộ gia đình. Cuối cùng, EVN phải tiếp tục hoàn thiện cải tiến chất lượng phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biệt trong những tháng nắng nóng...