Với chủ đề: “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày hôm qua (12/9), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ/ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.
Sự kiện do Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với các bộ, ngành tổ chức…
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. “Tất cả cùng chung tay, cùng nỗ lực để thực hiện thắng lợi Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Hội nghị lần này lần đầu tiên có đại diện lãnh đạo Quốc hội tham dự. Theo Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc, điều này thể hiện sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng để thúc đẩy phát triển bền vững ở nước ta.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, phát triển bền vững không chỉ là cam kết của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế mà còn xuất phát từ yêu cầu nội tại mang tính tất yếu của nước ta; Phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng phát triển nhanh và bền vững, đặt con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm trong phát triển. Với vai trò của mình, Quốc hội đã hoàn thiện khung pháp luật xây dựng nền kinh tế thị trường, hoàn thiện các thiết chế nhà nước đề cao vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhân dân…
Trước băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp về yêu cầu phát triển nhanh nhưng phải bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 1991- 2000 là 8,43%, 10 năm tiếp theo 2001 - 2010 là 7,6% và chúng ta đang ở thập niên thứ ba ước tăng trưởng khoảng 6,4%.
“Câu hỏi đặt ra là xuất phát điểm thấp nên tăng trưởng giai đoạn đầu nhanh và giảm dần, vậy đến thập niên thứ tư, làm sao tăng trưởng nhanh hơn?”- Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và đưa ra trả lới: “Chúng ta còn không gian để phát triển, còn nhiều vướng mắc của doanh nghiệp gặp phải chưa được tháo gỡ, tiềm lực trong dân còn lớn… Điều này có nghĩa nếu môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện thì có thể tăng trưởng nhanh hơn…”.
Phó Thủ tướng cũng kêu gọi các quan hệ đối tác để cùng nhau phát triển, giữa doanh nghiệp với Nhà nước, giữa nguồn lực trong nước với nguồn lực nước ngoài…, và nếu làm tốt được Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển nhanh và bền vững…
Đồng tình với câu trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong phát biểu kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển với tốc độ cao nhưng phải bền vững.
“Nếu chúng ta không phát triển nhanh sẽ tụt hậu so với các nước bè bạn, phát triển với tốc độ cao nhưng phải bền vững. Chính vì vậy Hội nghị lần này tổng kết và đề ra phương hướng phát triển 10 năm tới và xa hơn…” - Thủ tướng nhấn mạnh.
30 năm qua Việt Nam đã thúc đẩy nhiều giải pháp phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tích quan trọng, tăng trưởng GDP được duy trì và luôn ở mức cao, năm 2018 trên 7%, năm 2019 sẽ đạt mức cao 6,8%, tuổi thọ trung bình của Việt Nam năm 2018 là 73,5 tuổi thuộc nhóm cao của thế giới; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các giai đoạn...
Tuy nhiên, những kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước, tình trạng chênh lệch giàu nghèo còn lớn, tình trạng khai thác môi trường làm suy thoái nguồn tài nguyên vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Thủ tướng đề nghị thời gian tới cần có sự thống nhất nhận thức và hành động của các cấp, các ngành về mục tiêu phát triển bền vững. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu chương trình nghị sự phát triển bền vững, cần thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển xanh, kinh tế chia sẻ.
Bên cạnh đó cần cải thiện nguồn nhân lực cả về thể lực và trí lực trong mục tiêu thiên niên kỷ vì con người; tăng cường hiệu suất làm việc, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, có những đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng xã hội thịnh vượng. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành cần thực hiện nghiêm mục tiêu phát triển bền vững ở các địa phương.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan và VCCI xây dựng các mục tiêu, chỉ số phát triển bền vững trình Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất. Trước mắt Thủ tướng giao Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan, VCCI trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững trong tháng 10 này…