Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc bán cho ai?

(PLO) -   Tại buổi đối thoại với nông dân Việt Nam sáng nay (9/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, sẽ tạo điều kiện cho người nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân, cho đất nước.
Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ ngành lần đầu tiên có buổi đối thoại với 500 nông dân
Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ ngành lần đầu tiên có buổi đối thoại với 500 nông dân

Tại buổi đối thoại với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành cùng 500 nông dân tiêu biểu của cả nước, 3 nhóm vấn đề lớn được đưa ra thảo luận như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nông nghiệp, lao động nông thôn, hỗ trợ ngư dân bám biển; vấn đề quy hoạch nông thôn, công nghệ nông nghiệp, đất nông nghiệp; Tuy nhiên, nhóm vấn đề thị trường cho nông sản và vốn hóa cho nông nghiệp là chủ đề được bàn luận sôi nổi hơn cả.

Nông dân còn mù mờ về thị trường

Ngay đầu phiên đối thoại, nông dân Tăng Xuân Trường, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương than phiền tình trạng dư thừa, ế nông sản khiến người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào, đốt bỏ cả mía vì giá quá rẻ mạt là một thực tế rất đáng buồn đối với ngành nông nghiệp. Ông Trường chia sẻ ông vừa là người sản xuất vừa là người làm thương mại xuất khẩu rau củ khá lâu ở địa phương nên nhận thấy điểm yếu lớn nhất của nông nghiệp hiện nay là khâu tổ chức sản xuất. “Việc liên kết, rồi thành lập HTX chúng ta đã hô hào nhiều rồi và đến bao giờ mới thay đổi được ?” – ông Trường thắc mắc.  

Cùng nỗi ưu tư, nông dân Đặng Thị Dịu, TP.  Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho rằng, với người nông dân, thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm nông sản luôn là nỗi lo lớn. Theo bà Dịu, người nông dân luôn cảm thấy bế tắc khi liên tục rơi vào cảnh trồng ra rồi lại không tiêu thụ được, tìm kiếm thị trường tiêu thụ thật khó khăn do thiếu định hướng và thiếu thông tin. “Xin hỏi Thủ tướng có chính sách gì để các cơ quan chức năng có liên quan làm tốt công tác định hướng và thông tin thị trường giúp cho người nông dân tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới?”- bà Dịu đặt câu hỏi và mong được giải đáp.

Giải đáp các thắc của người dân đặt ra, Thủ tướng khẳng định: Việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải nhổ bỏ vì giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước.

Cùng với việc hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ cần phải nỗ lực tìm thị trường hơn nữa. Theo Thủ tướng, nhiều loại nông sản củ quả của Việt Nam đã tham gia các thị trường lớn, việc tìm thị trường Nhà nước phải làm, nhưng DN, người sản xuất cũng có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này, đó là khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường; phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.

“Tôi muốn quán triệt tinh thần này đến hộ nông dân, đến Hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp. Chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai.”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Khó vay vốn để làm ăn

Tại phiên đối thoại về vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nông dân than phiền gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, ngay cả gói tín dụng ưu đãi 100 ngàn tỷ đồng cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hay nguồn vốn vay quỹ hỗ trợ nông dân. Theo phản ánh của người dân, vướng mắc nhất trong việc vay vốn để làm ăn hiện nay là các quy định hạn mức tín dụng bất cấp, thủ tục cho vay rườm rà, nhiều tài sản trên đất chưa được định giá, hay như lãi suất với nông dân vẫn rất cao so với tỷ suất lợi nhuận đầu tư vào nông nghiệp.

Đã có 34 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, theo nông dân Tô Hiến Thành, Hiệp Hòa, Bắc Giang, khó khăn lớn nhất với hầu hết nông dân đó là vốn. Ông Thành chia sẻ, để duy trì sản xuất, ông và nhiều người nông dân phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Ông mong muốn Chính phủ có chính sách để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp và ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn.

Trong khi đó, nông dân Lương Minh Đồng huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho hay: Việc vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân thấy thuận tiện, không cần sổ đỏ hay thế chấp nhưng khi ra hỏi vay thì cán bộ xã nói nguồn vốn Quỹ được rất ít, nên chưa cho nhiều hộ vay. Ông Đồng mong Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tăng thêm nguồn vốn này để nhiều hộ nông dân được vay quỹ này.

 Về các khúc mắc đến vấn đề vay vốn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ định ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải đáp. Theo ông Tú, khó khăn khiến người dân không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng là do tính minh bạch thông tin của người dân. Chính vì thông tin không minh bạch rõ ràng nên các ngân hàng không thể cho vay.

Không thỏa mãn cách giải thích của lãnh đạo NHNN, Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ, trả lời thẳng khúc mắc nào cần giải quyết để người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư với lãi suất thấp phù hợp. 

Lãnh đạo NHNN cho biết thêm: Lãi suất đến nay đã giảm khoảng hơn 1 nửa so với đầu năm 2013 (từ 14% xuống về dưới 6,5%). Còn về tài sản thế chấp, theo ông Tú, Thông tư 59 mới ban hành thì tài sản thế chấp không phải điều kiện duy nhất để được cho vay mà phải trên cơ sở quản lý dòng tiền. Theo đó, các hộ ND, các hộ vay vốn nếu chứng minh được dòng tiền, chứng minh được đồng vốn phát huy hiệu quả thì có thể được cho vay mà không cần thế chấp.

Ông Tú khẳng định: Những gì phát sinh trong cuộc sống sẽ được xây dựng mới ngay, hoặc những gì vướng mắc vẫn đang tiếp tục được chỉnh sửa. Ví dụ như Nghị định 55 hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN&PTNT, các ngành liên quan đang phối hợp chỉnh sửa để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Đáng chú ý, tại buổi đối thoại, sau khi lắng nghe những chia sẻ về khó khăn trong việc vay vốn của 2 nông dân: Tô Hiến Thành (Bắc Giang) và Võ Quan Huy (Long An), ông Tú cam kết sẽ có buổi làm việc cụ thể với người vay và các ngân hàng thương mại trong tuần tới để giải quyết. “Tôi đề nghị ngay trong tuần tới, tôi và các ngân hàng thương mại sẽ ngồi làm việc với anh Huy, anh Tô Hiến Thành, để làm việc rõ ràng xem có vay vốn được hay không, vay được bao nhiêu, nếu không vay được thì lý do vì sao và phải công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.”- ông Tú cho biết.

Ngoài vấn đề thị trường, vốn, tại buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo Bộ, ngành cũng đã giải đáp hàng loạt các thắc của người nông dân liên quan đến đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý các mặt hàng nông sản; vấn đề tích tụ ruộng đất, vấn đề ngăn chặn nạn phân bón, vật tư nông nghiệp giả, hay vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp…

Phải giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường

Kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn coi nông nghiệp, nông thôn là một mặt trận quan trọng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa muốn thành công phải quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

 Để phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống người dân, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung vào một số vấn đề. Trong đó, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn.

Thủ tướng cũng yêu cầu, phải tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hình thành cho được các mô hình liên kết đối tác chặt chẽ, bình đẳng tin cậy giữa nông dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp trong khu vực nông thôn, tập trung vào các mô hình kinh doanh mới, góp phần định hướng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ cần có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua. Cần nghiên cứu các mô hình kinh tế chia sẻ, giải pháp công nghệ mới nâng cao khả năng kết nối sản xuất - thị trường, tăng cường tính minh bạch trong chuỗi giá trị nông nghiệp, cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngăn chặn thực phẩm bẩn.

Đọc thêm