Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” tại VBF

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Phát biểu tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tiếp đồng hành cùng Việt Nam, với tinh thần “đồng cam cộng khổ”, “lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ”...
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại VBF
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại VBF

Cơ hội để DN đóng góp ý kiến

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm nay là năm thứ 24 tổ chức VBF nhưng việc tổ chức đã thay đổi ít nhất trong 3 năm gần đây.

“Diễn đàn không chỉ nêu lên những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp (DN) mà thêm một phần đóng góp giải pháp cho Chính phủ và qua đó cho thấy vai trò của DN trong sự phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Với chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”, Bộ trưởng khẳng định VBF năm nay sẽ là cơ hội để cộng đồng DN đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng DN trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước đang đối mặt nguy cơ đứt gãy do dịch bệnh COVID-19 và những biến động khó lường của xung đột thương mại, thiên tai, ... Do đó việc phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho phục hồi hoạt động của các DN, từ đó quyết định thành công của chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Nhìn từ góc độ khác, đây cũng là cơ hội hiếm có cho các DN tại Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trong chuỗi cung ứng trong nước cũng như quốc tế.

Mong tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam!

Tại Diễn đàn, bên cạnh việc đề xuất tháo gỡ khó khăn về những vấn đề thực tế đang phát sinh, đại diện các tổ chức quốc tế, Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam đã bày tỏ sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB), bà Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam đã đưa ra những mục tiêu rất cao, những cam kết rất ấn tượng với "mục tiêu kép" là trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050… Chia sẻ thêm về khả năng chống chịu, tính cạnh tranh và tính xanh của nền kinh tế Việt Nam, bà Carolyn Turk cho biết, WB và các đối tác sẽ tiếp tục hợp tác, ủng hộ Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và giảm phát thải cùng lúc.

Chủ tịch Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), ông Alain Cany thì cho biết, các DN đã đưa ra những tín hiệu lạc quan và tự tin với môi trường đầu tư "bình thường mới" của Việt Nam.

Thành viên Hiệp hội DN Anh Quốc tai Việt Nam (BritCham) Nitin Kapoor, cho rằng, chúng ta cũng nên có những kỳ vọng hợp lý và chấp nhận việc phục hồi không nhất thiết phải hoàn toàn suôn sẻ, việc đưa ra các chính sách và quy định thậm chí còn quan trọng hơn. “Hãy yên tâm rằng chúng tôi rất vui lòng và sẵn sàng hỗ trợ các buớc tiếp theo từ trạng thái bình thuờng mới đến trở lại bình thường…”, vị đại diện BritCham nói.

Tại Diễn đàn, nhắc lại quá trình 35 năm đổi mới đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng DN; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế với tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Điểm qua những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh "bình thường mới" của năm 2022, Thủ tướng cho biết Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng (khoảng trên 4% GDP) sẽ tập trung cho các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính như mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Trong đó xác định nguồn lực bên trong (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (hỗ trợ về thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị và trình độ nguồn nhân lực) là quan trọng và đột phá.

Xúc động trước những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cộng đồng DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, điều đó chứng tỏ cộng đồng DN rất hiểu và yêu Việt Nam. Ông đồng thời bảy tỏ mong muốn các DN, hiệp hội DN tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên tinh thần "đồng cam cộng khổ", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại Diễn đàn này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.

Đọc thêm