Xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân
Tại Hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia hôm qua (30/12), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong lĩnh vực y tế dự phòng, Bộ Y tế sẽ triển khai sáng kiến “mỗi người dân có một bác sĩ riêng”, với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc như bác sĩ riêng.
Theo Thứ trưởng, ngành y tế xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời; phát triển Cổng sức khỏe người dân để người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình; phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho người dân trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử…
Ngay trong ngày 30/12, Bộ Y tế sẽ ra mắt 3 nền tảng y tế bao gồm mạng y tế Việt Nam kết nối các thầy thuốc trên toàn quốc; chương trình điều hành điện tử trạm y tế xã với trên 10.600 trạm và đặc biệt 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được tạo lập trong hơn 5 tháng qua nhằm tiến tới đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, khám điều trị ngoại trú không dùng giấy.
Đối với chuyển đổi số trong bệnh viện, ngành y tế ưu tiên các nội dung triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân,…) nhằm nâng cao khả năng tự động hóa.
Về việc đồng bộ mã số định danh y tế (ID), sẽ sử dụng mã số BHXH của người dân để xây dựng ID y tế và triển khai thực hiện trên toàn quốc; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tư vấn khám chữa bệnh từ xa; triển khai hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân trên cả nước.
Năm 2020, để phòng chống đại dịch Covid-19, các ứng dụng khai báo y tế kiểm soát dịch bệnh, ứng dụng truy vết, bản đồ an toàn Covid-19 đã được áp dụng rộng rãi; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán điều trị Covid-19…Trong tháng 3/2020 tới, Bộ Y tế cũng sẽ triển khai cấp phép trong ngành dược thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Chăm sóc sức khỏe người dân mọi lúc mọi nơi
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số y tế hay y tế số là sự phát triển tiếp theo của y tế điện tử nhưng có tính đột phá. Đột phá ở đây theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là y tế điện tử sử dụng công nghệ thông tin và trọng tâm là nâng cao hiệu quả của các dịch vụ y tế như bệnh viện.
Y tế số dùng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh thay đổi mô hình cách thức dịch vụ y tế. Bệnh nhân nay sẽ trở thành khách hàng: “Y tế số giải bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người mọi lúc, mọi nơi, và cá thể hoá, đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại. Chuyển đổi số y tế có thể thực hiện hoá ước mơ này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam mới có 8 bác sĩ trên 1 vạn dân, bằng cách triển khai phần mềm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, người dân ở 1 xã của Ninh Bình đã có thể kết nối hàng nghìn bác sĩ trên cả nước để tư vấn 24/24h. Đây có lẽ là cách giải quyết một phần vấn đề thiếu bác sĩ nhất là thiếu bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa.
Một vấn đề nữa mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định đó là, thực trạng tuyến trên thì quá tải và bệnh nhân thì phải đi xa tốn kém, trong khi tuyến dưới thì chưa hiệu quả.
Việc triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa các bệnh viện tuyến dưới được kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương, thông qua hoạt động này các bác sĩ tuyến trên có thể chẩn đoán hình ảnh từ xa, tư vấn mổ từ xa cho bác sĩ tuyến dưới. Từ đó, người dân không phải tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay các thành phố lớn khác.