Cho rằng Quảng Nam có vị thế mới, từ một trong những tỉnh nghèo nhất nước nay vươn lên, có mức thu ngân sách khoảng 1 tỷ USD, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương, Thủ tướng nhắc lại phát biểu trong cuộc làm việc tại tỉnh cách đây một năm rằng tỉnh cần phấn đấu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong vòng 5 năm tới. Vậy Quảng Nam làm gì để đạt được điều đó, Thủ tướng đặt vấn đề mở đầu cuộc làm việc.
Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, GRDP bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng. Quý I năm nay, thu ngân sách đạt 7.500 tỷ đồng, xuất khẩu 1.900 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có hơn 6.700 doanh nghiệp hoạt động. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 3 năm gần đây đều năm trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số tốt. Số dự án FDI trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực là 166 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5,78 tỷ USD.
Trong năm 2019, tỉnh xác định tập trung công tác lập và quản lý quy hoạch, trong đó phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai lập quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không Chu Lai; tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực, phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp…
Góp ý cho tỉnh Quảng Nam, đại diện một số bộ, ngành cho rằng tỉnh cần đa dạng nguồn thu khi Khu kinh tế mở Chu Lai đóng góp đến 70% thu ngân sách của tỉnh, địa phương hiện có tới 11 khu công nghiệp, khu kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng du lịch rất nhanh (quý I/2019 tăng 25%, đạt 2 triệu lượt khách), tỉnh cần rà soát quy hoạch du lịch, thu hút nhà đầu tư, phát triển nguồn nhân lực về du lịch, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, gồm Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, chống sạt lở bờ biển Cửa Đại…
Đánh giá cao tinh thần đổi mới tư duy, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho phát triển của Quảng Nam, Thủ tướng đặt vấn đề, động lực tăng trưởng nào đối với tỉnh giàu truyền thống cách mạng này. Theo Thủ tướng, đó là cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển thành một trung tâm du lịch của Việt Nam; phát triển đô thị, nông nghiệp và miền núi.
“Sản phẩm gỗ xuất khẩu cả nước hơn 10 tỷ USD, trong khi Quảng Nam có núi đồi chiếm 3/4 diện tích. Đây có phải động lực cho phát triển không? Văn hóa miền núi có phải động lực phát triển không?”, Thủ tướng đặt câu hỏi. “Và động lực rất lớn, rất bao trùm, đó là công tác xây dựng Đảng, bao gồm tổ chức, bộ máy và cán bộ. Làm thật tốt chính là động lực bao trùm nhất để sự phát triển bền vững của Quảng Nam”.
|
Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam phải đoàn kết, xốc tới, hoàn thành vượt mức, bứt phá kế hoạch 2019. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu Quảng Nam phải tăng quy mô nền kinh tế gấp 2 lần sau 5 năm, trở thành tỉnh khá giả về thu nhập vào năm 2025, đưa Quảng Nam - Đà Nẵng - Quảng Ngãi trở thành một cực tăng trưởng mới với sức lan tỏa ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
“Chúng ta đang nói cực tăng trưởng Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Hà Nội-Hải Phòng, các đồng chí phải là một cực tăng trưởng, xác định trách nhiệm của mình đối với đất nước, chứ không phải miền Trung lúc nào cũng chỉ kêu khổ, thiên tai, lũ lụt, phải xin trợ cấp ngân sách. Miền Trung phải tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo và là một cực tăng trưởng mới của sự phát triển. Và Quảng Nam, là tỉnh thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tiếp tục phát triển miền Đông để có nguồn lực phát triển tốt hơn miền Tây, “cái nôi” của cách mạng trong kháng chiến”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đã cho ý kiến về một số kiến nghị của Quảng Nam. Về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị Di sản văn hóa Thế giới đô thị cổ Hội An, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 1318 ngày 18/2/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thẩm định việc điều chỉnh quy hoạch và đầu tư xây dựng cảng hàng không Chu Lai theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định ngay trong quý II/2019.
“Quảng Nam phải đoàn kết, xốc tới, xây dựng một Quảng Nam phát triển để hoàn thành vượt mức, bứt phá kế hoạch 2019, đóng góp vào sự phát triển của Trung ương”, Thủ tướng nói.
|
Thủ tướng cùng các đồng chí nguyên Tỉnh ủy viên của Quảng Nam. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cùng ngày, nhân dịp kỷ niệm 22 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997 – 2019) và 44 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2019), Thủ tướng dự cuộc gặp mặt các đồng chí nguyên Tỉnh ủy viên Quảng Nam, Đặc khu ủy viên Quảng Đà trong kháng chiến và các đồng chí nguyên Tỉnh ủy viên Quảng Nam từ năm 1997 đến nay.
Gửi lời thăm hỏi, chúc sức khỏe, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã có nhiều đóng góp cho Quảng Nam, cho TP. Đà Nẵng, Thủ tướng cho biết, tại cuộc làm việc trước đó với tỉnh Quảng Nam, các thành viên Chính phủ đều đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của tỉnh sau 22 năm tái lập. Riêng thu nội địa đã tăng gần 200 lần, là tỉnh có mức thu nhập cao hơn mức bình quân cả nước. Không chỉ quan tâm phát triển miền Đông, tỉnh cũng tập trung cho vùng phía Tây, nôi của cách mạng.
Thông tin tình hình kinh tế - xã hội của cả nước, Thủ tướng khẳng định đất nước có bước phát triển tích cực, tuy nhiên, cũng đối diện nhiều nguy cơ mà Đảng đã nhận định như nguy cơ tụt hậu, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực.
Nhấn mạnh vai trò của đảng viên trong việc khắc phục các nguy cơ này, Thủ tướng nêu rõ, tinh thần nêu gương là yêu cầu rất lớn. Các đồng chí lão thành cách mạng của tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, góp ý kiến đối với công tác cán bộ; đấu tranh chống tiêu cực. Thủ tướng mong muốn các đồng chí tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng khẳng định cam kết sẽ làm hết mình, cùng với hệ thống chính trị đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, nâng cao đời sống nhân dân, xứng đáng với niềm tin của các thế hệ đi trước. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. Đà Nẵng phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước.