Trong bài báo "Thế kỷ châu Á đang bị đe dọa", Thủ tướng Singapore bày tỏ quan điểm tán đồng nhận định thế giới đang ở "thế kỷ của Châu Á - Thái Bình Dương", vì sau nhiều thập kỷ thành công về kinh tế, châu Á ngày nay là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới. Trong thập kỷ này, các nền kinh tế châu Á sẽ trở nên lớn hơn so với phần còn lại của các nền kinh tế thế giới cộng lại.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định, sự hiện diện an ninh của Hoa Kỳ "vẫn còn quan trọng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương" và Trung Quốc sẽ không thể thay thế vai trò đó ở Đông Nam Á ngay cả với sức mạnh quân sự ngày càng tăng. Đồng thời, ông cho rằng, "việc Mỹ rút khỏi Bắc Á sẽ buộc Nhật Bản và Hàn Quốc tiến hành phát triển vũ khí hạt nhân nhằm ứng phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Triều Tiên".
Bài viết của ông Lý Hiển Long được xuất bản giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang trên nhiều mặt trận, từ mạng 5G đến Biển Đông và cả đại dịch Covid-19. Singapore là một trong các quốc gia ở châu Á trực tiếp kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tránh lao vào một cuộc xung đột mang tính hủy diệt, vốn buộc các nước nhỏ hơn phải chọn đứng về bên nào.
"Các nước châu Á - Thái Bình Dương không muốn buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nước này muốn phát triển quan hệ tốt đẹp với cả hai", Thủ tướng Singapore đánh giá.
Ông Lý Hiển Long cũng cảnh báo rằng nếu Mỹ nỗ lực kiềm chế Trung Quốc hoặc nếu Bắc Kinh tìm cách xây dựng ảnh hưởng "độc quyền" ở châu Á, hai quốc gia này "sẽ bắt đầu thời kỳ xung đột có thể kéo dài hàng thập kỷ và đặt thế kỷ châu Á vốn được dự báo từ trước vào tình thế nguy hiểm kéo dài".
Để tránh viễn cảnh này, ông Lý Hiển Long kêu gọi sự hợp tác giữa các bên dựa trên khung quy tắc đa phương đã được nhất trí.
"Những lựa chọn chiến lược mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra sẽ định hình diễn biến của trật tự toàn cầu. Việc các nước lớn cạnh tranh là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, khả năng hợp tác của họ sẽ là phép thử thực sự của nghệ thuật lãnh đạo đất nước, cũng như quyết định liệu nhân loại có đạt được những bước tiến trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân và chống lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm hay không".