Phát biểu kết thúc Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, diễn ra sáng nay, 29/4, tại TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xã hội Việt Nam đã có truyền thống tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân, như nhà bác học Lê Quý Đôn đã tổng kết. Đặc biệt Bác Hồ ngay sau khi giành được độc lập đã gặp doanh nhân. Trong lúc khó khăn nhất, doanh nhân sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn lượng vàng để cứu đói, diệt giặc dốt, kháng Pháp, cứu nước. Tinh thần doanh nhân là lúc khó khăn doanh nhân có mặt để xây dựng đất nước.
Đảng, Nhà nước đã tập trung làm thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, nhìn chung là tốt, tạo điều kiện hơn trước rất nhiều, với nhiều quy định tiến bộ để phục vụ doanh nghiệp phát triển. Chính vì thế, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần phát triển đất nước như ngày nay.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại của chúng ta vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển. Thủ tướng nhắc nhở những điểm tồn tại: Việc ban hành các luật và văn bản hướng dẫn còn chậm để DN phải chờ đợi; có những trường hợp văn bản hướng dẫn không rõ ràng, tính tương thích không cao hoặc còn cảm tính, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề; chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích DN đột phá, thông qua áp dụng KHKT tiên tiến, tạo ra sản phẩm có thương hiệu lớn; công tác cổ phần hóa đã chỉ đạo quyết liệt nhưng còn nhiều vướng mắc về cơ chế; hiệu quả kinh doanh của DN còn thấp, khả năng kết nối của DN Việt Nam còn hạn chế; tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tình trạng một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, gây phiền hà làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của DN; thực tế triển khai các cải cách chưa đạt như mục tiêu đề ra...
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, DN phải xây dựng được chiến lược hội nhập của mình, xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nhân, gìn giữ liêm chính trong phát triển. DN phải chủ động, sáng tạo, "phải tự cứu mình trước khi trời cứu".
Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật. DN được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Tất cả các DN không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số DN an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để DN yên tâm bỏ vốn đầu tư, “không sớm nắng chiều mưa về chính sách”.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ bảo đảm kinh tế vĩ mô, môi trường hòa bình, thuận lợi cho DN phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình. Các quy định về điều kiện phải minh bạch, lượng hóa được, dễ hiểu để nhà đầu tư, DN tự đánh giá được để tuân thủ. Các quy định phải nhận khó khăn về cơ quan nhà nước, tạo ưu tiên cho người dân và DN, theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và DN, lấy người dân và DN làm đối tượng phục vụ.
Thủ tướng nêu rõ, DN nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội, khơi nguồn đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh nên cần có chính sách riêng để nhóm DN này phát triển hội nhập. Đảng, Nhà nước “coi DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế”.
Chính phủ sẽ ngăn chặn việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh.
Đối với những DN hoạt động công ích, hoạt động có tính rủi ro lớn, làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng Nhà nước có cơ chế quản lý phù hợp.
Nhà nước sẽ giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Phải bỏ hết những quy định cũ trái với quy định của luật đã được Quốc hội thông qua...
Thủ tướng lần nữa khẳng định, DN là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nhắc lại thời điểm này 41 năm trước đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, thống nhất đất nước, thực hiện di nguyện của Bác Hồ, thống nhất phải xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, trong đó có vai trò quan trọng đặc biệt của doanh nghiệp. Do đó, việc tổ chức Hội nghị tại TP HCM càng thêm ý nghĩa vì đã có hàng triệu đồng bào, chiến sĩ hy sinh xương máu để chúng ta có ngày hôm nay.
Thời gian qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhưng thực tiễn vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, Chính phủ mong muốn lắng nghe doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ.
Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo. Chính phủ và các cơ quan bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhấn là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.