Thủ tướng yêu cầu sớm cảnh báo vi phạm của DNNN

Thủ tướng khẳng định, giai đoạn tới sẽ đổi mới cơ chế quản lý hoạt động của DNNN...; đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tái cơ cấu DNNN và đổi mới cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhằm thực hiện tốt chức năng giám sát; sớm cảnh báo những vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời; không can thiệp trực tiếp vào điều hành của DN.

Hôm qua – 8/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đồng chủ trì Hội nghị tổng kết sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2001 – 2010 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015.

Toàn cảnh hội nghị

3.388 DNNN đã được CPH

Ông Phạm Viết Muôn – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) cho biết, từ năm 2001 đến năm 2011 cả nước đã sắp xếp được 4.757 DN (không kể chuyển thành công ty TNHH một thành viên); trong đó, cổ phần hóa 3.388 DN và bộ phận DN; giao 189 DN, bán 135 DN, khoán kinh doanh, cho thuê 30 DN; sáp nhập 427 DN, hợp nhất 110 DN; giải thể 220 DN, phá sản 56DN; chuyển thành đơn vị sự  nghiệp có thu 114 DN; chuyển cơ quan quản lý 88 DN.

Báo cáo của ông Muôn đánh giá, CPH đã góp phần đổi mới tư duy, nhận thức về sở hữu, về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, khẳng định vai trò nòng cốt của DNNN trong phát triển kinh tế quốc dân. Theo báo cáo của các DN đã thực hiện CPH một năm trở lên cho thấy, các chỉ tiêu về tài chính, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, vốn điều lệ đều tăng hơn so với trước khi cổ phần hóa.

Đơn cử, thông qua CPH tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đã huy động được hơn 3.000 tỷ đồng vốn từ xã hội; đến cuối năm 2010, vốn chủ sở hữu đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 5,78 lần); lợi nhuận trước thuế đạt 7.789 tỷ đồng (gấp 48,68 lần); nộp ngân sách nhà nước khoảng 2.349 tỷ đồng (gấp 45,17 lần).

Hay như Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đã CPH tại 49 DN, đến nay doanh thu đạt hơn 26 nghìn tỷ/năm; lợi nhuận trước thuế đạt 911 tỷ đồng; thu nhập người lao động 3,1 triệu đồng/tháng, tăng 310% so với thời điểm năm 2001. Còn rất nhiều ví dụ khác về các công ty làm ăn khấm khá nhờ CPH, như Công ty kim khí Hà Nội trước khi CPH thua lỗ gần 10 tỷ đồng; sau CPH lãi 10 tỷ đồng; Công ty CP Than Cao Sơn lợi nhuận tăng gần 9 lần; Công ty Kim khí Tp.Hồ Chí Minh doanh thu tăng gần 40%; Công ty CP Khoan và Dịch vụ Dầu khí lợi nhuận sau thuế tăng 8 lần ....

Làm rõ trách nhiệm của người điều hành DN

Tuy nhiên, trong những năm qua cũng còn nhiều “lực cản” khiến quá trình CPH chậm trễ. Theo “giãi bày” của đại diện các Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, tổng công ty tại Hội nghị, họ gặp khó khăn, vướng mắc trong gần như tất cả các khâu của quy trình, từ việc đối tượng cổ phần hóa, việc bán cổ phần ra bên ngoài, chính sách bán cổ phần ưu đãi… cho đến phương thức bán cổ phần, xác định giá trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập chưa thật sự gắn với năng suất, chất lượng lao động; các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước được phân công, phân cấp cho nhiều cơ quan quản lý nhà nước, vẫn chưa tách được chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng quản lý của chủ sở hữu đối với DNNN….

Để sắp xếp, đổi mới DNNN đạt hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đối với những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đang có khó khăn về tài chính, một mặt, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác cần cơ cấu lại vốn, cơ cấu lại tài sản bằng cách chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc chưa cấp thiết để tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh chính.

Đồng thời, tăng cường áp dụng chuẩn mực quản trị kinh doanh hiện đại và có hiệu quả cao; tích cực nghiên cứu triển khai ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới; thực hiện công khai minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập và công tác cán bộ.

Thủ tướng khẳng định, giai đoạn tới sẽ đổi mới cơ chế quản lý hoạt động của DNNN theo hướng để người quản lý, điều hành DN phát huy tính năng động trong tổ chức, điều hành DN; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh nhằm đạt được hiệu quả cao nhất; đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tái cơ cấu DNNN và đổi mới cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhằm thực hiện tốt chức năng giám sát; sớm cảnh báo những vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời; không can thiệp trực tiếp vào điều hành của DN.

* Đến tháng 10/2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 452 doanh nghiệp an ninh, quốc phòng tham gia hoạt động công ích, 857 doanh nghiệp kinh doanh; tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực theo chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác ít hoặc chưa tham gia. Hiện nay cả nước có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại do Nhà nước giữa 100% vốn. Các công ty nhà nước được tổ chức lại, hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con là bước đổi mới mối quan hệ giữa công ty mẹ-tổng công ty với các doanh nghiệp trong tổng công ty.

* Nghị quyết đại hội Đảng XI yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty. Mới đây nhất, ngày 4/3/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 14/2011 về danh mục, tiêu chí phân loại DNNN. Thủ tướng đã phê duyệt 49 phương án sắp xếp, đổi mới DNNN đến năm 2015. Theo đó, đến năm 2015 cả nước còn 692 DN 100% vốn nhà nước; được tổ chức thành 44 tập đoàn, tổng công ty nhà nước với 150 công ty con; 387 DN độc lập thuộc địa phương; 111 DN độc lập thuộc Bộ. Khi đó, có 48 tỉnh, thành phố chỉ còn DN hoạt động công ích, xổ số kiến thiết, môi trường đô thị, thoát nước, công ty nông, lâm nghiệp.

Mai Hoa

Đọc thêm