Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền về chế định Thừa phát lại; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, Sở Tư pháp Hà Nội còn thường xuyên tổ chức trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ cho các Thừa phát lại trong việc lập và đăng ký vi bằng nhằm tránh sai sót trong quá trình thực hiện công việc của Thừa phát lại; phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự và Công an thành phố tiến hành kiểm tra rà soát đối với hoạt động Thừa phát lại, thông qua công tác kiểm tra đánh giá về tổ chức, hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại; kịp thời phát hiện thiếu sót, bất cập để có biện pháp chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, nắm bắt, ghi nhận những phản ánh, góp ý, đề xuất của các Văn phòng Thừa phát lại trong hoạt động đối với những điểm chưa hợp lý, bất cập, khi thực hiện các quy định của pháp luật về Thừa phát lại để tham mưu cho UBND thành phố trong việc quản lý và tiếp tục thực hiện việc triển khai chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố.
Trong nhiều kiến nghị được các Thừa phát lại gửi đến Sở Tư pháp thành phố là mong được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên hơn. Đây không chỉ là đề xuất của các thừa phát lại Hà Nội mà là của chung những người làm nghề trong cả nước. Và đây là vấn đề sẽ được cụ thể hóa trong dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại do Bộ Tư pháp xây dựng.
Dự thảo quy định thời gian, nội dung bồi dưỡng nghề Thừa phát lại: Thời gian là 01 tháng, nội dung bồi dưỡng như nội dung đào tạo nghề và quy định miễn một số nội dung bồi dưỡng liên quan đến tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án cho người đã là chấp hành viên từ 05 năm trở lên, người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành Thi hành án dân sự.
Đáng chú ý, theo tinh thần dự thảo bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm là nghĩa vụ bắt buộc theo quy định của dự thảo Nghị định. Do đó, dự kiến quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm bao gồm các nội dung sau: Tổ chức thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm (Học viện Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định trách nhiệm của tổ chức này).
Thời gian tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm tối thiểu là 03 ngày làm việc/năm (24 giờ/năm). Nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm bao gồm: cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về Thừa phát lại, thi hành án dân sự, tố tụng và pháp luật có liên quan; bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hành nghề Thừa phát lại; cách thức giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình hành nghề Thừa phát lại.
Quy định trường hợp miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm, đó là: Thừa phát lại đã tham gia giảng dạy tại Học viện Tư pháp, tham gia giảng dạy tại một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm hoặc tham gia một khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại ở nước ngoài trong năm đó.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng đưa ra quy định chi tiết các loại giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề Thừa phát. Đó là Quyết định bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên hoặc Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh kiểm sát viên, Thẻ chấp hành viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; Thẻ luật sư, Thẻ công chứng viên, Chứng chỉ hành nghề quản tài viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm luật sư, công chứng viên, quản tài viên từ 05 năm trở lên; Quyết định phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư chuyên ngành luật; Bằng tiến sĩ luật; Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành Thi hành án dân sự...