Được thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại từ tháng 03 năm 2013, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 04 văn phòng Thừa phát lại đi vào hoạt động. Tuy nhiên, để chế định mới này “ăn sâu, bén rễ” vững vàng trong đời sống xã hội, còn rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Bà Nguyễn Thị Vân Quỳnh, Trưởng Văn phòng TPL TP Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa là một trong 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lựa chọn để thực hiện thí điểm chế định TPL.
Những năm qua, Văn phòng TPL TP Thanh Hóa đã chú trọng xây dựng đội ngũ thư ký TPL, đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng phục vụ việc tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án theo hướng ngày càng chuyên nghiệp theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước, khách hàng; văn phòng cũng hết sức quan tâm chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết về chức năng, nhiệm vụ của chế định TPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, quảng cáo, trực tiếp xuống các địa phương để phổ biến về chế định TPL...
Có thể khẳng định hoạt động TPL đã giúp giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự; tạo thêm cơ sở pháp lý tích cực để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chế định TPL trong thời gian qua vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. TPL đã đi vào hoạt động được 8 năm, song thể chế pháp luật về TPL chậm được hoàn thiện, công tác chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương kể từ khi kết thúc thí điểm đến nay chưa kịp thời; quy định pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thống nhất với chế định pháp luật về TPL, do vậy đã gây ra khó khăn cho TPL.
Hoạt động TPL tại Thanh Hoá có những kết quả tích cực |
Hơn nữa, do TPL là chế định còn mới, vì vậy một số cán bộ, công chức, người dân chưa nhận thức đầy đủ nên còn thiếu trách nhiệm trong phối hợp thực hiện; đội ngũ TPL còn mỏng, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng nghề còn hạn chế; mức chi phí cho hoạt động TPL còn thấp, chưa đáp ứng chi phí khi thực hiện tống đạt; việc thanh toán cũng chưa thuận lợi, gây khó khăn cho các văn phòng hoạt động...
Việc lập vi bằng của TPL đã đ vì đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng, tuy nhiên phạm vi và trình tự, thủ tục lập vi bằng chưa cụ thể dẫn đến sự lúng túng trong quá trình tác nghiệp.
Bên cạnh đó, việc xác minh điều kiện thi hành án (THA) còn gặp một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến kết quả đạt được thấp. Một trong những nguyên nhân là do một số cơ quan, tổ chức chưa hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ cho TPL trong việc cung cấp thông tin về tài sản THA, một số UBND cấp xã từ chối cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA, cơ quan đăng ký tài sản không cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA theo yêu cầu của TPL... Do vậy, đã gây ra khó khăn cho TPL trong việc xác minh điều kiện THA.
Đánh giá về kết quả từ khi thực hiện thí điểm chế định TPL tại tỉnh Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hoá cho biết: Sự ra đời của văn phòng TPL đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động tư pháp, góp phần giảm tải công việc của cơ quan tư pháp, trước hết là cơ quan THADS, tòa án Nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh để các cơ quan này tập trung thực hiện chuyên môn, đồng thời nâng cao hiệu quả của cơ quan tố tụng.
Tạo điều kiện cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc THADS có thêm công cụ hỗ trợ tích cực để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong quá trình tổ chức thi hành án. Hỗ trợ tích cực cho công dân khi quyền lợi dân sự bị xâm phạm cần được xác nhận, bảo đảm quyền lợi khi cần khởi kiện. Đồng thời, giảm tải công việc của cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương khi phải xem xét, giải quyết các quyền lợi của công dân trong tranh chấp dân sự.
Ông Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hoá tại một hội nghị đánh giá hoạt động TPL |
Hiệu quả mang lại là vậy, nhưng hiện nay cả tỉnh mới có 4 văn phòng TPL, chỉ tập trung ở thành phố, thị xã, trong khi đó nhu cầu về hồ sơ, tài liệu, giấy tờ của THADS tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, THADS và tòa án Nhân dân của 27/27 huyện, thị xã, thành phố cần tống đạt rất lớn. Vì vậy, chưa thực hiện hết công việc của tòa án Nhân dân, THADS giao.
Nhu cầu lập vi bằng của tổ chức, cá nhân cũng rất lớn trong khi đó số lượng của tổ chức TPL nguồn nhân lực không đáp ứng được để thực hiện tại các địa phương có khoảng cách địa lý xa trụ sở các văn phòng TPL. Việc tổ chức thi hành án ở các bản án còn hạn chế.
Chính từ thực trạng trên, ngày 8/4, UBND tỉnh Thanh Hoá có Quyết định số 1137/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, trong giai đoạn thực hiện đề án từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập 14 văn phòng TPL tại các địa phương. Cụ thể, tại khu vực đô thị là thành phố, thị xã, thành lập 4 văn phòng TPL; khu vực các huyện ven biển, thành lập 4 văn phòng TPL; khu vực các huyện miền núi thành lập 3 văn phòng TPL; khu vực các huyện đồng bằng thành lập 3 văn phòng TPL.
Loại hình văn phòng TPL tổ chức hoạt động theo 2 loại hình: Văn phòng TPL do 1 TPL thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân; văn phòng TPL do 2 TPL trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh. Người đại diện theo pháp luật của văn phòng TPL là trưởng văn phòng TPL; trưởng văn phòng TPL phải là TPL. Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của TPL là tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Thanh Hóa là địa phương đất rộng, dân cư đông đúc với sự phát triển về kinh tế - xã hội đang vươn lên mạnh mẽ. Để hoạt động TPL tại Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ và đi sâu vào đời sống xã hội, cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Các văn phòng TPL cũng cần nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương.