Mặc dù Luật Khiếu nại tố cáo (KNTC) năm 2005 đã quy định 2 trường hợp mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa nhưng liên quan đến đất đai thì thường không được thụ lý bởi thẩm quyền của Tòa được Luật Khiếu nại tố cáo chỉ rõ nhưng lại vênh với Luật Đất đai năm 2003 và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sửa đổi năm 2006).
|
Ảnh minh họa nguồn Internet |
Quyết định của UBND tỉnh là “điểm chốt”?
Theo Điều 46 Luật KNTC, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện VAHC trong 2 trường hợp. Một là, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết và hai là, không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và lần 2 của cơ quan giải quyết KNTC.
Trong khi đó, điểm a khoản 2 Điều 138 Luật Đất đai lại quy định quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là quyết định cuối cùng. Còn Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính tại khoản 2 Điều 2 thì không quy định cho tòa có thẩm quyền giải quyết các vụ việc trên. Chính sự không thống nhất giữa các văn bản pháp luật dẫn đến hiện tồn đọng rất nhiều vụ việc KNTC kéo dài liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Báo cáo về việc kiểm tra, rà soát vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc kéo dài của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2009 cho rằng, một trong những nguyên nhân là do chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý đất đai nói chung và pháp luật về quyền khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính về đất đai nói riêng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau.
Rõ ràng nhất là nhiều địa phương hiểu nhầm về quy định của Điều 138 Luật Đất Đai khi coi quyết định giải quyết lần 2 của UBND tỉnh là “điểm chốt”, không thể mang tiếp vụ kiện hành chính ra tòa.
Mở rộng quyền cho dân
Hôm qua (23/9), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nghe báo cáo về việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về giải thích rõ quyền khởi kiện vụ án hành chính về đất đai trong trường hợp tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định giải quyết lần 2 của Chủ tịch UBND cấp tỉnh do Bộ được giao chủ trì soạn thảo.
Theo Dự thảo Nghị quyết mới nhất, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo đúng Điều 39 và Điều 46 của Luật KNTC. Vì Luật KNTC là văn bản được ban hành sau Luật Đất Đai và có hiệu lực pháp lý cao hơn so với Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Cụ thể, đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã khiếu nại (lần đầu) đến Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoặc đã khiếu nại (lần đầu hoặc lần 2) đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật KNTC mà khiếu nại không được giải quyết, thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.
Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã khiếu nại lần 2 đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 mà không đồng ý thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.
Thục Quyên