Nhiều tháng nay, một số nông dân ở thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục phản ánh về việc một số đơn vị khai thác khoáng sản than bùn trái phép tại khu vực trằm Thiềm của địa phương này. Từ phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến trằm Thiềm nằm trên địa bàn xã Phong Chương. Tại đây, cánh đồng lúa tan hoang, nham nhở “nhuốm” màu đen của than bùn.
Tiến sâu vào bên trong khu vực khai thác, một khối lượng lớn khoáng sản than bùn được tập kết chất cao như núi. Tại hiện trường, một số xe tải cũng có mặt chờ “ăn” than bùn để đưa ra khỏi khu vực này. “Thấy họ đưa xe vào đây khai thác, chúng tôi cất công tìm hiểu thì mới biết khu vực trằm Thiềm này không được cấp phép mỏ khoáng sản than bùn nhưng không hiểu vì sao, ngày nào cũng có xe cộ, người làm đến đây để chở than bùn đi”, một người dân phản ánh.
Một người dân sống gần khu vực khai thác cho biết thêm: Tình trạng khai thác than bùn ở đây diễn ra nhiều tháng nay. Bà con nông dân đến hỏi công nhân thì họ bảo “khai thác đến chừng nào hết than bùn thì thôi” và “dù không có phép nhưng địa phương đồng ý nên vẫn làm”. Các nông dân phản đối việc này cho rằng, việc khai thác không có quy hoạch đã ảnh hưởng đến ruộng lúa của dân.
Qua tìm hiểu, được biết số than bùn khai thác tại trằm Thiềm được đem bán cho các nhà máy vi sinh có nhu cầu mua than bùn để pha trộn, chế biến làm phân vi sinh. Một công nhân đang làm việc tại đây cho biết, ông chủ khai thác khoáng sản than bùn là một doanh nghiệp đóng tại chợ An Lỗ, huyện Phong Điền. Nhân viên này còn cho biết thêm, số than bùn sau khi khai thác đem nhập cho nhà máy sản xuất phân bón Quế Lâm miền Trung đóng tại thị xã Hương Trà.
Một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết khu vực trằm Thiềm hiện chưa được cấp phép khai thác khoáng sản than bùn cho bất kỳ doanh nghiệp, đơn vị nào. Than bùn ở Phong Điền được hình thành trên vùng cát nội đồng liên quan chặt chẽ với sự hình thành trầm tích có nguồn gốc sông biển, đầm lầy kỷ thứ tư. Ở Phong Điền có 6 dải trằm lớn chứa than bùn. Tổng diện tích chứa than của huyện Phong Điền rất lớn, trên 228 ha.
“Qua các kết quả phân tích thành phần hoá học, các chỉ tiêu kỹ thuật và các đặc điểm khác cho thấy chất lượng than bùn Phong Điền đạt chất lượng từ khá đến tốt. Vì vậy, việc nhà máy phân vi sinh mua khoáng sản than bùn “lậu” với giá rẻ là điều rất dễ hiểu”, cán bộ này lý giải. Một lượng lớn khoáng sản của địa phương đang bị “chảy máu”, đồng nghĩa với việc địa phương mất đi nguồn thu thuế từ tài nguyên.
Khi được hỏi về tình trạng khai thác khoáng sản than bùn trái phép diễn ra ở khu vực trằm Thiềm trong một thời gian dài, ông Lê Viết Phước - Chủ tịch UBND xã Phong Chương nói: Khu vực đó không được cấp mỏ, chúng tôi sẽ cho kiểm tra để có hướng xử lý.