Thừa Thiên - Huế: Dự án cơ sở hạ tầng nghề cá tiếp tục xin gia hạn

(PLVN) -  Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến bàn giao đưa vào khai thác cuối năm 2022, nhưng bị chậm tiến độ và đến nay dự án tiếp tục xin gia hạn thời gian hoàn thành đến cuối 2023.
Dự án có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng.

“Trễ hẹn” đã 2 năm

Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, gồm 3 dự án thành phần: Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão (phường Thuận An, TP Huế); Nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải (xã Phú Hải, huyện Phú Vang); Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc).

Tổng mức đầu tư 3 dự án thành phần là 400 tỷ đồng (từ nguồn tiền bồi thường của Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển 2016). Mục tiêu dự án nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá như xây dựng nhà phân loại cá, bến cập tàu chắn sóng, nạo vét luồng lạch; tạo ra thêm các vùng cho thuyền cá neo đậu, tránh trú bão và cung cấp hậu cần nghề cá.

Dù được triển khai thực hiện từ 2019, ban đầu dự kiến hoàn thành vào cuối 2021, nhưng dự án liên tục bị chậm tiến độ. UBND tỉnh đã kiến nghị và được Chính phủ gia hạn hoàn thành trong 2022. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành như dự kiến. Do đó, tỉnh tiếp tục đề nghị được lùi thời gian hoàn thành vào cuối 2023.

Theo ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý & Xây dựng công trình (Sở NN&PTNT), trong 3 dự án thành phần thì cảng cá Tư Hiền (vốn đầu tư 148 tỷ đồng) đang chậm nhất, hiện đã thực hiện khoảng 78% khối lượng trên công trường. Một số hạng mục đóng cọc đê ngăn cát giảm sóng phía Bắc do TCty Xây dựng Lũng Lô thi công; và hạng mục nạo vét luồng lạch, khu neo đậu do Cty CP Xây dựng 68 Hà Tĩnh đảm nhận vẫn đang chậm tiến độ.

Công trình này chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, từ năng lực nhà thầu, đến phương án thi công không hợp lý và chưa kịp thời. Đặc biệt, tuyến đường công vụ ở gói thầu này bị sóng biển đánh hư hỏng nhiều lần, ảnh hưởng lớn đến thời gian thi công. Bên cạnh đó, vấn đề vướng mặt bằng là diện tích mặt nước của 55 hộ dân.

Công trình cảng cá Tư Hiền sau khi hoàn thành dự kiến sẽ đảm bảo quy mô để tàu cập bến và xuất bến đạt công suất đáp ứng 70 lượt tàu/ngày, lượng thủy sản qua cảng đạt 10.000 tấn/năm; đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho 300 tàu, thuyền các loại có công suất đến 300CV.

Thêm một số hạng mục với cảng cá Thuận An

Với dự án cảng cá Thuận An (vốn đầu tư 220 tỷ đồng) hiện cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, để đảm bảo lưu thông cho tàu cỡ lớn khi vận chuyển hàng hóa ra vào cảng và trong tình huống cần tránh trú bão, tăng tính ổn định bền vững cho công trình và bổ sung lắp đặt thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác PCTT&TKCN, Sở NN&PTNT đã xin chủ trương UBND tỉnh cho phép điều chỉnh dự án để sử dụng nguồn kinh phí dự phòng còn lại đầu tư thêm một số hạng mục.

Thi công đường nội bộ dự án cảng cá Tư Hiền.

Theo đó, sẽ nạo vét luồng tuyến khu neo đậu, luồng tàu ra vào cảng có chiều dài 740m từ cao độ âm 2,6 - 3,4m (tăng 0,8m so với thiết kế ban đầu); xây nhà để xe, khu quản lý điều hành, lát gạch khu hạ tầng kỹ thuật… Do vậy, chủ đầu tư sẽ xin gia hạn thời gian đến 30/4/2023 để hoàn thành các hạng mục bổ sung của dự án.

Sau khi dự án hoàn thành, dự kiến đảm bảo quy mô tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền cập bến bốc dỡ hàng hóa, bảo quản thủy hải sản; đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU cần tuân thủ như vệ sinh môi trường, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, nước...

“Dù chủ đầu tư đã liên tục đốc thúc, nhưng vì biến động tăng giá vật tư, vật liệu và các thủ tục bị chậm nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thời gian. Chúng tôi cũng muốn bàn giao công trình sớm, nhưng thực tế không cho phép. Đã qua 2 lần điều chỉnh xin gia hạn lùi thời gian, nhưng vẫn chậm 2 năm nên giờ phải đặt mục tiêu toàn bộ 3 dự án thành phần phải xong trước 31/12/2023”, ông Phúc nói.

Đọc thêm