Thừa Thiên Huế: Gần 35 tỷ đồng từ nguồn ERPA đã đến với bà con quản lý bảo vệ rừng

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên Huế (Quỹ) đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thành chi trả tiền giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) trước Tết cho bà con với tổng kinh phí giải ngân đạt 97 % so với kế hoạch.

Thừa Thiên Huế được đánh giá là tỉnh dẫn đầu trong 6 tỉnh được thí điểm ERPA khi sớm triển khai giải ngân chi trả và đạt tiến độ theo yêu cầu.
Thừa Thiên Huế được đánh giá là tỉnh dẫn đầu trong 6 tỉnh được thí điểm ERPA khi sớm triển khai giải ngân chi trả và đạt tiến độ theo yêu cầu.

Thừa Thiên Huế là một trong 6 địa phương triển khai Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

Theo đó, gần 35 tỷ đồng được chi trả đến tay đối tượng được hưởng lợi. Việc chi trả kinh phí đảm bảo đúng đối tượng, danh sách hộ, nhóm hộ được nhận tiền niêm yết công khai tại các điểm công cộng. Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả, tiến tới triển khai toàn diện về dịch vụ môi trường theo quy định.

Không chỉ chi trả đạt tiến độ đề ra, Quỹ còn phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn cho các chủ rừng xây dựng kế hoạch sử dụng tiền một cách hiệu quả. Từ đó, hạn chế tối đa dựa vào rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và đời sống cho bà con.

Dựa trên diện tích rừng tự nhiên theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng hàng năm và kết quả hấp thụ giảm phát thải của rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, số tiền Quỹ Trung ương điều phối cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong 3 năm (2023 - 2025) là khoảng 5,609 triệu USD (tương đương 131 tỷ đồng) theo Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA)

Trong đó, từ nguồn điều phối năm 2023, hơn 35,7 tỷ đồng chi trả cho các đối tượng hưởng lợi thông qua tài khoản ngân hàng, hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho 800 chủ rừng, gồm 721 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, 11 chủ rừng là tổ chức, 58 UBND xã và 10 tổ chức khác có rừng tự nhiên.

Thực hiện Nghị định số 107 của Chính phủ, các chủ rừng là tổ chức đã phối hợp với chính quyền địa phương và các cộng đồng dân cư hợp pháp trong khu vực tiếp giáp với rừng tự nhiên nhằm xác định diện tích rừng muốn nhận khoán bảo vệ và mô hình phát triển sinh kế cần được đầu tư hỗ trợ.

Trên cơ sở danh sách 105 cộng đồng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với các chủ rừng tổ chức, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách các cộng đồng tham gia quản lý rừng được hỗ trợ phát triển sinh kế từ chủ rừng là tổ chức. Mỗi cộng đồng này được nhận khoán bảo vệ rừng 300 - 450 ngàn đồng/ha và nhận hỗ trợ phát triển sinh kế 50 triệu đồng/ha/năm từ nguồn ERPA.

Tổng diện tích rừng phải chi trả năm 2023 theo kế hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt là hơn 205.602ha. Diện tích đã chi trả tính đến ngày 15/2/2024 là gần 200 ngàn ha với số tiền chi trả gần 35 tỷ đồng cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức khác được Nhà nước giao quản lý rừng tự nhiên với tổng kinh phí. Đối với diện tích còn lại, Quỹ đang hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho các đối tượng hưởng lợi trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời chi trả.

Ông Nguyễn Tất Tùng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, để triển khai thực hiện chi trả kinh phí, đơn vị đã phối hợp với Hạt kiểm lâm các huyện, UBND các xã đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ chi trả từ nguồn ERPA cho các chủ rừng; phối hợp triển khai công tác thực hiện thỏa thuận tham gia quản lý rừng, hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng.

Bên cạnh việc chi trả hầu hết theo hình thức chuyển khoản ngân hàng, Quỹ còn phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện tổ chức chi trả tiền ERPA cho những nhóm hộ, hộ gia đình đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, hạn chế rủi ro, thất thoát và thực hiện đúng theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022.

Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục giải ngân 45 tỷ đồng theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP dựa trên số liệu theo dõi diễn biến rừng của tỉnh. Với nguồn kinh phí bổ sung khá lớn từ việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải theo thỏa thuận ERPA sẽ giúp tạo thêm việc làm, thu nhập và nâng cao trách nhiệm của người dân trong tuần tra, bảo vệ những cánh rừng tự nhiên.

“Nguồn chi trả giảm phát thải là nguồn tài chính hết sức có ý nghĩa, góp phần thực hiện mục tiêu định hướng của tỉnh nhà; với tiêu chí tạo nên môi trường tự nhiên xanh, sạch đồng thời góp phần nâng cao đời sống cho bà con ở các huyện miền núi”, ông Trần Quốc Cảnh - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.

Nguồn kinh phí bổ sung khá lớn từ việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải theo thỏa thuận ERPA là cơ hội để bổ sung nguồn tài chính nhằm tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân, góp phần tăng cường việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đọc thêm