Thực chất, kịp thời hơn nữa trong xây dựng và đánh giá tác động chính sách

(PLVN) - Ngày 30/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách” với sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức.
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Trần Anh Đức cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo đối với một số VBQPPL. Đây là điểm mới cơ bản của Luật Ban hành VBQPPL nhằm tránh việc “vừa thiết kế, vừa thi công”, góp phần nâng cao chất lượng VBQPPL. Chính sách phải được xây dựng và được cơ quan có thẩm quyền, chịu trách nhiệm về tổ chức thi hành chính sách thông qua trước khi soạn thảo VBQPPL.

Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về các công đoạn trong quy trình xây dựng chính sách và đánh giá tác động chính sách. Do đó, đồng chí Trần Anh Đức mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo tích cực trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về nội dung chính sách và tiến độ, phạm vi, nội dung, thời điểm đánh giá tác động chính sách. Các ý kiến tại Hội thảo sẽ được Bộ Tư pháp tiếp thu và chỉnh lý trong Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) để đảm bảo Luật vừa ngắn gọn, vừa đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề nhưng vẫn linh hoạt.

Theo đánh giá tại Hội thảo, việc bổ sung quy trình xây dựng chính sách đã góp phần khắc phục tình trạng “vừa thiết kế, vừa thi công” trong xây dựng, ban hành VBQPPL trước đây; nâng cao một bước chất lượng VBQPPL sau khi ban hành. Tuy nhiên, qua gần 10 năm triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL cho thấy việc thực hiện quy trình đánh giá tác động chính sách còn có một số khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, việc đánh giá tác động chính sách, báo cáo đánh giá tác động còn hình thức, nội dung đánh giá chủ yếu nặng về định tính, chủ yếu nêu nhận định mà chưa có căn cứ, số liệu cụ thể chứng minh. Quy trình xây dựng chính sách còn phức tạp, trong nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu phản ứng chính sách nhanh, linh hoạt, kịp thời.

Quy trình xây dựng chính sách chưa tách bạch với quy trình soạn thảo. Việc quy định xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của chính quyền địa phương tương tự như cơ quan trung ương chưa phù hợp với thực tiễn, năng lực của các công chức làm công tác xây dựng pháp luật ở địa phương. Kinh phí dành cho hoạt động xây dựng chính sách, báo cáo đánh giá tác động của chính sách còn hạn hẹp.

Để tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Ban hành VBQPPL về hoạt động phân tích chính sách, đánh giá tác động của chính sách, nhiều đề xuất, kiến nghị được nêu lên tại Hội thảo như: Làm rõ hơn quy trình xây dựng chính sách theo hướng các đề xuất chính sách phải cụ thể, rõ ràng, và đạt được mục tiêu giải quyết các vấn đề đã được nhận diện. Tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các bên có liên quan ngay từ giai đoạn đầu của quy trình xây dựng chính sách; trong đó xác định trách nhiệm quan trọng hàng đầu của các Bộ, ngành phụ trách ngành, lĩnh vực trong xây dựng chính sách.

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất, cơ chế tham vấn ý kiến hiệu quả, giải trình, tiếp thu ý kiến minh bạch, rõ ràng. Về lâu dài, nghiên cứu đổi mới theo hướng phân định rõ khâu xây dựng chính sách và quy phạm hóa chính sách như quy trình lập pháp của một số nước trên thế giới.

Hồ sơ dự án luật cần xác định đầy đủ, cụ thể có bao nhiêu chính sách dự kiến quy định. Quy định tiêu chí các đề nghị xây dựng luật phải đánh giá tác động chính sách Các đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật hoặc sửa đổi, bổ sung một vài điều, khoản đơn giản để bảo đảm tính thống nhất với quy định hiện hành của luật khác thì không phải đánh giá tác động chính sách…

Đọc thêm