Thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ khăng khít giữa Học viện Tư pháp và giới luật sư

(PLVN) - Luật sư, TS Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã bày tỏ mong muốn trên khi trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam nhân dịp 25 năm thành lập Học viện Tư pháp.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền.

* Thưa Luật sư Đào Ngọc Chuyền, ông đánh giá như thế nào về thành tựu đào tạo nghề luật sư của Học viện Tư pháp trong 25 năm qua?

- Là một trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên…, trong đó gồm cả luật sư nên Học viện Tư pháp giữ vai trò quan trọng trong công tác đào tạo của nước nhà. Riêng với đội ngũ luật sư, từ khi Học viện được thành lập đến nay, công tác đào tạo đã đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế, bảo đảm chất lượng đội ngũ luật sư, đủ sức gánh vác trách nhiệm được giao, chung tay xây dựng nền tư pháp phát triển, hệ thống pháp luật được rõ ràng, đầy đủ, minh bạch.

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Học viện, pháp luật về luật sư cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung và gần đây nhất là Luật Luật sư năm 2012. Trên cơ sở đó, Học viện Tư pháp cũng có nhiều thay đổi cơ bản, phù hợp để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ luật sư theo quy định của pháp luật.

Học viện cũng có mối quan hệ chặt chẽ với giới luật sư, đặc biệt là các đoàn luật sư lớn như Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, huy động được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các luật sư có tên tuổi, uy tín. Điều đó thể hiện tầm nhìn của Học viện, đảm bảo cho người được đào tạo có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp luật sư, có kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hành hiệu quả kỹ năng nghề luật sư trong các khâu của quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án…

Học viện còn không ngừng đổi mới phương pháp đào tạo bồi dưỡng, giáo trình tài liệu, tham gia vào những giao dịch trong nước và quốc tế, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ… nên người được đào tạo một khi đã tốt nghiệp là làm việc hiệu quả. Đặc biệt, đội ngũ thầy cô luôn tâm huyết với nghề, tự phấn đấu nâng cao trình độ với nhiều thế hệ giảng viên được đào tạo tại các quốc gia có nền tư pháp phát triển. Bên cạnh đó, phương pháp đào tạo của Học viện đã có sự thay đổi lớn, từ đào tạo ở mức độ chia sẻ thông tin kinh nghiệm thông thường sang đào tạo theo học phần, tín chỉ, rất phù hợp với tình hình hiện nay. Cơ sở vật chất ngày càng khang trang, giúp người được đào tạo có môi trường thực hành nghề nghiệp.

Có thể nói, lịch sử 25 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện gắn liền với quá trình phát triển của đất nước, các bước phát triển sau kế thừa các bước phát triển trước, làm giàu truyền thống đào tạo nghề của Học viện. Những thành quả đạt được của Học viện được Đảng và Nhà nước ghi nhận, cụ thể là dịp này Học viện vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Về phần mình, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đánh giá cao quá trình nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để có được những thành công suốt 25 năm qua của Học viện.

* Nhân dịp 25 năm thành lập Học viện Tư pháp, ông có đề xuất gì để công tác phối hợp giữa hai Bên hiệu quả hơn nữa?

- Từ mối quan hệ khăng khít giữa Học viện và giới luật sư thời gian qua, chúng tôi mong rằng thời gian tới quan hệ phối hợp giữa hai Bên ngày càng tốt hơn trong một số lĩnh vực như trao đổi kinh nghiệm phối hợp, tổ chức đào tạo nghề luật sư của các nước có nền tư pháp phát triển nhằm chọn lọc những bước đi phù hợp với bối cảnh nước ta. Đồng thời, chúng tôi kỳ vọng việc đào tạo cử nhân luật, đào tạo nghề luật sư, thực hành nghề luật sư có sự gắn bó, liên thông; có như vậy, chúng ta sẽ có được đội ngũ luật sư ngày càng chất lượng, đem lại lợi ích cho xã hội.

* Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm