Gặp Quốc Vụ khanh Bộ Tư pháp Luxembourg
Tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp Luxembourg, bà Christine Goy, Quốc Vụ khanh Bộ Tư pháp Luxembourg đã giới thiệu sơ bộ về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Luxembourg.
Theo đó, Bộ Tư pháp Luxembourg chịu trách nhiệm về lĩnh vực pháp luật dân sự (xây dựng pháp luật dân sự, tố tụng dân sự, hôn nhân gia đình; quốc tịch; hòa giải dân sự và thương mại; nhân quyền; cơ quan đầu mối quốc gia Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; tương trợ tư pháp về dân sự); hình sự (xây dựng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự; tư pháp vị thành niên; bồi thường nhà nước; quản lý vũ khí, chất nổ; xổ số; chống tham nhũng; chống khủng bố; chống rửa tiền; tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ tội phạm); thương mại (xây dựng pháp luật thương mại; luật phá sản doanh nghiệp; luật công ty; luật kế toán; các tổ chức phi lợi nhuận; đăng ký pháp nhân thương mại; đơn giản hóa thủ tục hành chính và định danh thống nhất doanh nghiệp); tổ chức cơ quan tư pháp (quản lý thẩm phán ngạch tư pháp và ngạch hành chính, bao gồm cả bổ nhiệm thẩm phán; quản lý luật sư; bồi dưỡng pháp luật và thực tập nghề tư pháp; quản lý công chứng (thực tập nghề, bổ nhiệm); quản lý thừa phát lại (thực tập, bổ nhiệm); quản lý trợ giúp pháp lý, giám định tư pháp; tố tụng hành chính); trại giam (quản lý hệ thống tạm giam và nhà tù).
Bà Quốc Vụ khanh cũng cho biết hiện nay Luxembourg đang tiến hành cải cách một số công tác tư pháp, như hoàn thiện mô hình Hội đồng Tư pháp quốc gia theo hướng có cả sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ; hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời kỳ Covid và hậu Covid (Tham Chính viện đang đứng trước sức ép phải thẩm tra hơn 30 dự án luật); hoàn thiện quy định về xác định giới hạn độ tuổi vị thành niên.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng chia sẻ sơ bộ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Việt Nam, những thách thức lớn mà Bộ Tư pháp đang gặp phải hiện nay. Khẳng định sứ mệnh của hợp tác pháp luật và tư pháp là vấn đề tri thức, kinh nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng với nền tảng cùng có hệ thống pháp luật thành văn, Bộ Tư pháp hai nước có nhiều tiềm năng và cơ hội để tiến hành hợp tác. Thứ trưởng và bà Quốc Vụ khanh thống nhất gợi ý một số chủ đề mà hai Bộ có thể hợp tác trong thời gian tới, như:tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý công tác tư pháp; chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp.
Làm việc với Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của Luxembourg
Tại buổi làm việc với đại diện Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của Luxembourg, bà Suzette Nies, Giám đốc Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi trực thuộc Bộ Giáo dục quốc gia, Trẻ em và Thanh niên Luxembourg đã cảm ơn Chính phủ, Bộ Tư pháp Việt Nam đã luôn tạo điều kiện cho công dân Luxembourg có nhu cầu được nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi cũng như cấp phép và tạo điều kiện cho tổ chức con nuôi Amicale Internationale d’Aide à l’Enfant được hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014 (cụ thể từ 2014 đến nay Việt Nam đã giải quyết cho 16 trường hợp trẻ em được công dân Luxembourg nhận làm con nuôi và hiện nay đang có 03 hồ sơ chờ giải quyết).
Khẳng định mục đích cuối cùng của việc cho nhận con nuôi là vì lợi ích tối cao của trẻ em, bà Giám đốc Cơ quan Trung ương cũng trình bày một số khó khăn như cách hiểu chưa thống nhất về một số quy định tại Nghị định 24/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nuôi con nuôi.
Bà Giám đốc cũng thông tin hiện nay nhu cầu nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi đang khá nhiều, trong bối cảnh Luxembourg có hệ thống phúc lợi xã hội rất phát triển (giáo dục hoàn toàn miễn phí kể cả sách giáo khoa cũng miễn phí; giao thông công cộng miễn phí; hệ thống chăm sóc y tế rất phát triển...); do đó đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa trong việc giải quyết các hồ sơ của công dân Luxembourg xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của bà Giám đốc Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi Luxembourg, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định với tư cách là thành viên của Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ các nội dung của Công ước với tư tưởng chủ đạo chính. Cụ thể là,xác định đây là vấn đề nhân đạo, lấy lợi ích tối cao của trẻ em làm trung tâm; việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài chỉ là giải pháp thay thế khi không tìm được mái ấm gia đình trong nước; việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài tuyệt đối không được gắn với vấn đề tài chính/lợi nhuận.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi của hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo cho việc cho/nhận con nuôi được giải quyết đúng quy định của Công ước La Hay 1993 và pháp luật Việt Nam.
Hy vọng rằng, kết quả trao đổi giữa Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc với đại diện các cơ quan của Luxembourg, trong đó đặc biệt là buổi làm việc với Quốc Vụ khanh Bộ Tư pháp Luxembourg, sẽ tạo tiền đề tích cực mở ra cơ hội hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp với Luxembourg – quốc gia có trình độ phát triển cao nhưng hợp tác pháp luật và tư pháp với Việt Nam còn ở mức độ khiêm tốn.