Đông đảo chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo các địa phương và hiệp hội doanh nghiệp của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đến tham dự. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, thúc đẩy khởi nghiệp được coi là mục tiêu, đồng thời là phương tiện để thực hiện ba đột phá chiến lược của Việt Nam, bao gồm thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Kiếm sống, làm giàu và phụng sự xã hội bằng con đường khởi nghiệp đang được các tổ chức chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức phát triển, hiệp hội, trường đại học đặc biệt quan tâm.
Tại Việt Nam, các ý tưởng kinh doanh không chỉ được hiện thực hóa dưới hình thức doanh nghiệp, mà còn theo hình thức cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, hộ kinh doanh, trang trại hoặc cá nhân tự kinh doanh. Năm 2016, có hơn 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng thêm gần 83.500 cơ sở kinh tế các thể phi nông nghiệp…
Các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam có 72% chủ doanh nghiệp có độ tuổi từ 30 trở lên, đa phần chủ các doanh nghiệp đều có bằng đại học, phần lớn doanh nhân khởi nghiệp xuất thân từ khu vực tư nhân và phần lớn đi lên từ mô hình hộ gia đình…