Thúc đẩy liên kết vùng, cần chính sách toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 3/8, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện “Diễn đàn liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương”. Sự kiện nhằm tháo gỡ các khó khăn và nâng cao nhận thức về hiệu quả liên kết vùng cho các địa phương.
Toàn cảnh Diễn đàn diễn ra sáng nay, tại Hà Nội.
Toàn cảnh Diễn đàn diễn ra sáng nay, tại Hà Nội.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 HTX và 120.983 tổ hợp tác (THT), trong đó có 76.456 THT nông nghiệp, thì việc liên kết vùng sẽ giúp các HTX, THT hoạt động hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.

“Do vậy, việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động chắc chắn sẽ góp phần giúp cho hoạt động của các HTX, THT sẽ hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô rộng lớn”, ông Thịnh nói.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Thực hiện định hướng của Bộ Chính trị, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Các chủ thể liên quan, bao gồm các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN, HTX, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, hộ gia đình... đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên kết vùng. Cơ chế thực thi chính sách liên kết vùng bước đầu phát huy được hiệu lực và hiệu quả.

Tuy vậy, trên thực tế, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá, liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Đặc biệt, các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Liên kết kinh tế vùng cũng chưa được mở đường, dẫn dắt mạnh, trong khi chủ thể liên kết quan trọng là DN, là HTX và các tổ chức về kinh tế chưa phát huy được vai trò của mình. Rõ ràng là trong quá trình thiết lập mô hình hợp tác liên kết, chúng ta lại ít nói về hoạt động này.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, chính những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động liên kết vùng. Bên cạnh đó, chưa có nhiều liên kết vùng trong việc hỗ trợ các DN, HTX hình thành cụm liên kết ngành.

“Đơn cử, các DN và HTX trong lĩnh vực nông sản, một khi có sự liên kết vùng bền vững sẽ hỗ trợ cho họ có thể chủ động về mặt công nghệ trong vấn đề trồng trọt, chăn nuôi và chế biến, hình thành vùng trồng mẫu lớn gắn với xây dựng mã vùng trồng, gắn với xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến, bảo quản công suất lớn, hiện đại có khả năng chế biến sâu”, ông Thịnh nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn chia sẻ tại Diễn đàn.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn chia sẻ tại Diễn đàn.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, liên kết vùng đã có những chuyển biến tích cực. Các cơ chế chính sách về liên kết vùng đã đạt được những kết quả nhất định như: Đẩy mạnh kết nối cung cầu thông qua các Chương trình, Đề án cấp quốc gia và địa phương; Tổ chức triển khai tốt các quy hoạch về hạ tầng thương mại; Lồng ghép liên kết vùng phát triển thị trường nội địa trong các lĩnh vực, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế- xã hội khác. Tuy nhiên, các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, tính lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội; các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững, khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp; liên kết vùng còn yếu, nhất là giữa các tỉnh và thành phố.

Bên cạnh đó, cách phân vùng KT-XH còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng vẫn còn bị bỏ ngỏ.

“Thực tế các địa phương hiện nay đều đang tận dụng những lợi thế sẵn có của mình để phát triển kinh tế nhanh hơn. Kết quả là, mặc dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn chưa khai thác hết các điều khoản đã ký kết”, ông Tuấn cho hay.

Cần chính sách hỗ trợ trực tiếp, toàn diện

Từ những thực trạng trên, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về liên kết vùng; Thực thi Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân; nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Duy trì, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, đồng thời kết nối giữa DN sản xuất, phân phối của các tỉnh, thành phố với nhau.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cần có chính sách chính sách hỗ trợ các đơn vị, HTX để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa được sản xuất đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối; Ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa; Hỗ trợ đưa hàng vào kênh phân phối nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa lợi thế sang thị trường các nước thông qua một số kênh phân phối nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (Central Group, Aeon, Lotte, MM Mega Market...

TS Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương).

TS Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương).

Còn theo TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Ban Kinh tế Trung ương để tăng tính liên kết kinh tế trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, cần kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng để sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh.

Ngoài ra, cần tiếp tục cải thiện môi trường pháp luật, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

Tiếp đó, các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về hiệu quả của liên kết kinh tế. Từ đó chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thiết lập các mối liên kết phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như liên kết về thị trường, liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản.

“Cùng với đó, chú trọng làm tốt khâu tuyên truyền vận động DN, HTX và nông dân tự nguyện liên kết với nhau trên cơ sở chung động lực lợi ích (được vay vốn ưu đãi, được tập huấn kỹ thuật, chia sẻ với nhau để nâng cao trình độ sản xuất, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thông qua các chính sách hỗ trợ HTX, hỗ trợ DN, hỗ trợ nông dân)”, TS. Vũ Mạnh Hùng chia sẻ.

Đọc thêm