Thúc đẩy logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(PLO) - Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp phù hợp, mạnh mẽ để phát triển ngành dịch vụ logistics, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế đất nước và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020.
Ảnh minh họa: TTXVN

Nội dung trên được nêu rõ trong Thông báo kết luật của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh logistics Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.   

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia tạo thuận lợi cho phát triển giao thương hàng hóa, là cửa ngõ tiếp cận với thị trường các nước ASEAN thông qua tuyến đường Xuyên Á.

Dự báo lượng hàng qua cảng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là từ 66,5 triệu đến 71,5 triệu tấn/năm cho thấy Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu rất cao trong đầu tư phát triển hoạt động logistics, cả về đầu tư cơ sở hạ tầng logistics cũng như phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, phát triển lưu thông, phân phối hàng hóa trong vùng và liên vùng, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hàng nông sản, thủy sản.

Tuy nhiên, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vẫn chưa có trung tâm logistics tập trung quy mô lớn và hệ thống cơ sở, trung tâm logistics vệ tinh; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn chuyên về dịch vụ logistics trên địa bàn; khả năng cung ứng chuỗi dịch vụ logistics còn yếu; chi phí logistics còn cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa…

Để thúc đẩy phát triển logistics, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có tầm nhìn như đối với một ngành dịch vụ kinh tế, có tính hệ thống, liên kết vùng, đa ngành, đa lĩnh vực. Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương liên quan, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp và cả các cơ quan truyền thông phải tăng cường phối hợp chặt chẽ, gắn kết với cơ chế kết nối một cửa ASEAN để tăng cường tạo thuận lợi thương mại và trên nền tảng thương mại điện tử.

Các địa phương phải tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, kinh doanh, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững; phải xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ tối đa, tăng cường trao đổi, đối thoại và kết nối với nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có đầu tư kinh doanh logistics vào Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đọc thêm