Kể từ khi Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) có hiệu lực từ ngày 01/7/2008 cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương mới về TTTP trong lĩnh vực dân sự. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục gia nhập Công ước La Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ). Các điều ước quốc tế mới này có các yêu cầu mới về quy trình, thủ tục, hồ sơ so với quy định trong Luật TTTP hiện hành.
Do đó, để áp dụng thuận lợi và thống nhất tiêu chuẩn mới được quy định tại các điều ước quốc tế, liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao đã có giải pháp ban hành văn bản quy phạm pháp luật cấp thông tư liên tịch để thực hiện. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế trong lúc chưa thể đưa vào văn bản pháp luật cấp cao hơn. Không những thế, việc quy trình thủ tục thực hiện được quy định ở nhiều cấp văn bản pháp luật khác nhau cũng làm cho quy định pháp luật bị tản mạn, không tạo thuận lợi cho việc áp dụng.
Bên cạnh đó, Luật TTTP có quy định về áp dụng pháp luật nước ngoài trong thực hiện TTTP theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, mà không có quy định hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng pháp luật nước ngoài để thực hiện TTTP. Quy định về áp dụng pháp luật nước ngoài được yêu cầu khi thực hiện TTTP của nước ngoài tại các điều ước quốc tế về TTTP trong lĩnh vực dân sự mà Việt Nam đã ký kết chỉ mang tính nguyên tắc và dẫn chiếu đến pháp luật trong nước của các bên. Do vậy, đây cũng được coi là một trong những khoảng trống cần được bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực hiện TTTP thực hiện thống nhất và thuận lợi.
Có thể thấy, nếu giữ nguyên tình hình như hiện nay, các cơ quan nhà nước sẽ gặp khó khăn trong việc áp dụng thống nhất các quy định về TTTP, tốn thời gian khai thác, tra cứu các văn bản pháp luật, tra cứu các văn bản quốc tế có liên quan, chưa kể việc lời văn của điều ước quốc tế và các văn kiện hướng dẫn nhiều chỗ còn khó hiểu dẫn đến sự lúng túng và áp dụng không thống nhất tại các cơ quan thi hành. Đối với người dân và doanh nghiệp, các yêu cầu TTTP sẽ không được giải quyết nhanh chóng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong tranh chấp.
Do đó, những khó khăn, bất cập trong thực tiễn đòi hỏi có giải pháp xây dựng quy định cụ thể trình tự, thủ tục TTTP về dân sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và kinh nghiệm quốc tế theo hướng tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các yêu cầu TTTP của Việt Nam và nước ngoài. Việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong TTTP về dân sự (nếu không trái pháp luật Việt Nam) và áp dụng các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là các cam kết có được qua đàm phán cũng giúp đẩy nhanh tiến độ và tạo thuận lợi cho cơ quan tư pháp các nước giải quyết vụ việc.
Song song với đó, việc xây dựng quy định cụ thể trình tự, thủ tục TTTP về dân sự theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên còn thúc đẩy hoạt động TTTP có hiệu quả, qua đó giải quyết tốt, triệt để các vụ việc dân sự, hành chính có yếu tố nước ngoài, bảo vệ pháp luật và thực thi công lý; bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, quyền và lợi ích chính đáng các đương sự liên quan, tạo điều kiện phát triển của các quan hệ, giao dịch dân sự, các quan hệ hành chính góp phần ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong lĩnh vực TTTP về dân sự không giống với áp dụng pháp luật nước ngoài trong các quan hệ dân sự và tố tụng dân sự nên cần có quy định để đảm bảo việc áp dụng không trái với pháp luật Việt Nam.