Sandbox sẽ là cái nôi của đổi mới, sáng tạo
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất trong Đề án là thử nghiệm cơ chế Sandbox.
Theo đó, Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Nhằm cụ thể hóa nhận thức và hành động, mới đây nhất, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghị quyết 52 cũng chỉ rõ phải: “Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quy định rõ phạm vi không gian và thời gian thử nghiệm. Nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới. Thực hiện định danh, công nhận, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
“Việc đổi mới tư duy quản lý kinh tế, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế phù hợp, đặc biệt với những ngành kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, Fintech…đòi hỏi những giải pháp quyết liệt từ tạo lập khung khổ chính sách tới hành động của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó tư duy chấp nhận những cái mới chưa có tiền lệ là quan trọng nhất. Đây không chỉ là yêu cầu riêng rẽ tại Việt Nam, mà với kinh nghiệm thực tế trên thế giới, khái niệm “điều chỉnh thử nghiệm - regulatory sandbox” đã được hơn 30 nước sử dụng sau khi ra đời tại Vương quốc Anh năm 2015. Thực tế đã chứng minh rằng, sandbox là cái nôi để cho các ý tưởng mới, các công nghệ mới có dư địa phát triển, các doanh nghiệp startup rất cần một môi trường như vậy”, ông Lê Trọng Minh nói.
Ông Minh cũng nhấn mạnh: “Mong rằng sẽ có nhiều góp ý, phản biện chính sách…tại buổi tọa đàm này, để từ đó tạo lập một cơ chế sandbox thế nào phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, trình độ phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam”.
Cần thành lập một Tổ công tác của Chính phủ về Sanbox
Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp đã thảo luận về sự cần thiết, kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị về việc xây dựng một cơ chế Sandbox phù hợp với Việt Nam.
Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) |
Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ: “Sandbox là công cụ để để sáng tạo. Sandbox cho phép chúng ta thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo khi chưa có các quy định chính thức được ban hành, khi chưa rõ quy định cụ thể nào sẽ áp dụng. Việc thử nghiệm nhăm giúp tìm hiểu cần xây dựng quy định gì và áp dụng đối với đối tượng nào để phù hợp với thực tiễn phát triển và hỗ trợ cho sự sáng tạo, đổi mới. Điều này giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, cạnh tranh để dẫn dẳt trong lĩnh vực kinh doanh nghiệp vụ của mình”.
Tiến sĩ Trần Thị Quang Hồng, Trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) |
Phát biểu góp ý tại tọa đàm, Tiến sĩ Trần Thị Quang Hồng, Trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật Dân sự - Kinh tế, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), trình bày về vai trò của cơ chế Sandbox trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo bà Hồng, việc triển khai cơ chế Sandbox (regulatory sandbox) đòi hỏi cơ quan quản lý phải vượt qua chức năng thực thi pháp luật thông thường và có sự chủ động nhất định trong việc tiến hành các biện pháp quản lý cụ thể. Đồng thời, sự chủ động đó phải có những ràng buộc nhất định để đảm bảo quá trình thử nghiệm được thực hiện công bằng, hiệu quả và đồng bộ, tránh lạm quyền, phục vụ được cho mục tiêu là không làm mất cơ hội ứng dụng công nghệ mới do các quy tắc pháp luật chậm được ban hành hay thay đổi, đồng thời qua đó xác định được các yêu cầu thay đổi pháp luật phù hợp với yêu cầu điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ công nghệ mới sau thử nghiệm. Đây là những vấn để cần được giải quyết để thúc đẩy sự hình thành các Regulatory Sandbox ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) |
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cũng đã chia sẻ về những điểm nghẽn phát lý Việt Nam trong Sanbox. Đồng thời đưa ra 2 khuyến nghị: Thứ nhất, Việt Nam cần thành lập một Tổ công tác của Chính phủ về Sanbox, gồm lãnh đạo các bộ liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương...tạo nên một bộ liên ngành để chia rủi ro cho từng bộ, bởi trách nhiệm không thể chỉ thuộc một bộ. Thứ hai, sau khi thành lập tổ công tác sẽ có Văn phòng Sanbox quốc gia để tiếp nhận đăng ký và tư vấn chó doanh nghiệp trước khi nộp đơn chính thức, đồng thời giám sát thực thi của doanh nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp, các ý kiến tham luận hoàn toàn ủng hộ Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ và tin tưởng vào Nghị quyết 52 sẽ là tiền đề tốt để xây dựng khung pháp lý cho cơ chế Sandbox, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Nextech trình bày về vấn đề Sandbox và những hệ lụy xã hội qua các kinh nghiệp cụ thể của startup.
Theo đó, ông Bình đưa ra 5 kinh nghiệm cho thấy việc thiếu cơ chế pháp lý thí điểm (Regulatory Sandbox) sẽ có hệ luỵ gì cho xã hội?
Thứ nhất, cản trở sáng tạo. Sự sáng tạo sẽ không có nếu không thể dùng khung pháp lý truyền thống để áp dụng cho mô hình kinh doanh mới.
Thứ hai, lãng phí xã hội khi thiếu những cơ chế cụ thể giúp các hoạt động được triển khai nhanh chóng, thuận tiện hơn thông qua các mô hình điện tử.
Thứ ba, nếu không có cơ chế pháp lý, thì ngoài lãng phí còn giây bất ổn đến xã hội.
Thứ tư, thất thu cho quốc gia. Nếu không có cơ chế thí điểm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam, thì các doanh nghiệp sẽ tìm đến các kênh khác như thanh toán chui, thanh toán lậu... dẫn đến thất thu trong nước.
Thứ Năm, nếu không có một cơ chế cụ thể cũng dễ dẫn đến cản trợ trong hoạt động đầu tư.
Ông Bình cũng đưa ra 3 bài học cho thấy cơ chế pháp lý thí điểm sẽ mang lại tác động gì: Chính phủ mở để kiến tạo; Mở ra ngành công nghiệp mới như thanh đoán điện tử và Fintech; “Phá rào” hay thí điểm.
Ông Bùi Việt Dũng, Tổng giám đốc Financial Deep Mind lại kể câu chuyện “Mơ ước được chơi với “Hộp cát”” để đưa ra cái nhìn dễ hiểu về Sandbox.
Theo đó, một cậu bé bước vào khu vui chơi giải trí cho trẻ em hăm hở lao đến khu vực có những mảnh ghép hình thật to, cậu tuyên bố: Cháu sẽ xây cả thành phố với những toà nhà cao, hệ thống giao thông thông minh... Cô phụ trách mỉm cười giải thích: Những mảnh ghép này cháu làm cao quá sẽ dễ đổ xuống các em bé xung quanh, mà cô nghĩ cũng không đủ mảnh ghép, sao cháu không thử với khu cát đằng kia… Đứng trước khu chơi cát đợi đến lượt vào chơi, cô phụ trách nhìn cậu trong giây lát. Cô muốn đảm bảo rằng cậu không quá bé để dễ bị cát vào mồm hay mắt, cậu không có biểu hiện tăng động để có nguy cơ hất cát vào những người xung quanh. Vâng, cô đang thực hiện bước chọn lọc đầu tiên.
Kế đến cô giải thích với cậu: Chơi cát chỉ trong đúng khuôn viên này nhé, không được mang cát ra ngoài, không được đem nước vào đổ lên cát, phải thay giầy ra và đi ủng vào. Vâng, cô thiết lập luật chơi và một không gian giới hạn.
Khi cậu bước vào, cô dặn thêm: Một lượt chơi tối đa là 30 phút nhé. Một yếu tố nữa, cô thiết lập một thời gian giới hạn. Cậu bé bước vào và thoả sức dồn hết tâm trí sáng tạo xây dựng một thành phố của mình.
Ông Dũng cho biết, vẫn cùng những nguyên tắc cơ bản như vậy, nhưng chúng ta đang nói đến ở đây cơ chế Sandbox là cơ chế thí điểm, cho phép một số doanh nghiệp với các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới khi chưa biết phải quản lý thế nào, có thể được thử nghiệm trong không gian và thời gian giới hạn dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp.
“Là một Fintech, may mắn được làm việc cùng những định chế tài chính năng động và sáng tạo hàng đầu, rất nhiều lần chúng tôi vẫn thầm mong ước làm sao có thể bước vào Sandbox như vậy. Đơn cử như với Công ty Chứng khoán VPS, một công ty chứng khoán đang vươn lên mạnh mẽ bằng công nghệ, chúng tôi vẫn trao đổi với nhau cùng một chủ đề lặp đi lặp lại nhiều lần: Tại sao trong thời đại công nghệ 4.0, để mở tài khoản, khách hàng bắt buộc phải đến trụ sở công ty để ký vào giấy. Những khách hàng ở tỉnh xa chúng ta sẽ phục vụ thế nào đây? Nếu như công nghệ của chúng tôi dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo chứng mình được việc kết hợp nhận dạng khuôn mặt, chữ ký trên thiết bị di động, vân tay là rất an toàn thì liệu cơ quan chức năng có chấp nhận không?
Một khách hàng khác của chúng tôi mong muốn cung cấp tiện ích cho người sử dụng để thanh toán hoá đơn dịch vụ như tiền điện tiền nước, viễn thông, mà không thực hiện được vì tài khoản là “chuyên biệt” và các cơ quan quản lý đều bối rối không biết có làm được hay không. Người sử dụng chỉ còn biết than rằng: Tiền là của tôi mà, tôi có làm gì sai đâu nhỉ, tôi chỉ muốn tiện ích thôi mà…
Mong ước bước chân vào Sandbox của chúng tôi chắc hẳn không phải là cá biệt. Cộng đồng Fintech ở Việt Nam chắc hẳn cũng mong mỏi một điều như vậy”, ông Dũng cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Việt Bình, đại diện CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca đã chia sẻ về những số liệu phát triển hợp tác chiến lược giữa Grab và Moca trong thời gian qua là rất tốt.
Cụ thể, chỉ trong nửa đầu 2019, tổng giá trị giao dịch qua ví Moca trên ứng dụng Grab tăng đến 150%; số người dùng tương tác hằng tháng (MAU) tăng hơn 70%, đều là người dùng thường xuyên, trung thành của Moca (quality users) với tần suất sử dụng ví rất cao.
Tính đến tháng 9/2019, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt qua Moca trên ứng dụng Grab đã chiếm đến 42%.
Số lượng người dùng Moca đã tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, số lượng ngân hàng liên kết trực tiếp với Moca trong năm 2019 cũng tăng gần gấp 2 lần so với năm 2018, giúp Moca có khả năng tiếp cận với 90% người dùng có sở hữu thẻ ATM tại Việt Nam.
Theo ông Bình, Moca nhiệt liệt ủng hộ việc ban hành cơ chế sandbox trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp Fintech, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính toàn diện, thúc đẩy hướng đến xã hội không dùng tiền mặt theo định hướng chính sách không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ Việt Nam.
Về mặt quản lý, bên cạnh các quy định then chốt khác, Moca đề xuất cơ chế Sandbox sẽ có các quy định phân biệt giữa cách làm mới và ý tưởng hoàn toàn mới.
Theo đó, đối với những cách làm mới khi thực thi các yêu cầu sẵn có, như eKYC, Sandbox sẽ chỉ tập trung đánh giá kiểm chứng về hiệu quả, độ tin cậy của phương pháp. Thời gian thử nghiệm có thể ngắn và có thể cho phép áp dụng ngay sau thời gian thử nghiệm.
Còn đối với những ý tưởng hoàn toàn mới như cho vay ngang hàng thì thời gian thử nghiệm cần dài hơn. Phương pháp và thời gian quản lý cũng cần cân bằng giữa quản lý và hiệu quả kinh tế để đảm bảo doanh nghiệp có thể đầu tư nguồn lực với tầm nhìn dài hạn, hơn là lợi dụng cơ chế Sandbox để khai thác lợi nhuận trong ngắn hạn.
Với lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng phòng, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ chế sanbox đối với hệ thống tài chính ngân hàng đang phát triển rất nhanh, hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam rất rộng khi ngày càng nhiều công ty tham gia, hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán. Cụ thể, đến nay có 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 24 ngân hàng triển khai thanh toán của QR Code, hơn 50.000 điểm điểm chấp nhận thanh toán QR code, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán của Internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Điều này cho thấy xu hướng tất yếu của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Song điều này cũng tồn tại một khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.
Ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng phòng, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước
Thứ nhất, thể chế quản lý hoạt động Fintech chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản pháp lý nào.
Thứ hai, chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý liên quan đến hoạt động Fintech.
Thứ ba, ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán, cơ bản các hoạt động của Fintech chưa được quy định và điều chỉnh bởi các văn bản pháp chế hiện hành.
Cuối cùng, các quy định pháp lý hiện hành liên quan đến nghiệp vủa của các tổ chức tín dụng chưa cho phép áp dụng các giải pháp công nghiệ hiện đại.
Từ những vấn đề này, việc tạo ra một cơ chế sanbox cho lĩnh vực Fintech là một nhu cầu cấp thiết.