Thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

(PLVN) - Ngày 28/2, tại TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 
Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (ngồi giữa) chủ trì hội nghị
Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (ngồi giữa) chủ trì hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quang Hùng cho biết, ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo “thẻ vàng” (tháng 10/2017), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương đã tập trung vào cuộc chỉ đạo đề ra các giải pháp để thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

Sau đó, qua 2 đợt kiểm tra, đoàn công tác của EC ghi nhận sự vào cuộc tích cực của Việt Nam từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, đoàn công tác ghi nhận Việt Nam xây dựng hoàn thiện khung pháp lý bao gồm Luật Thủy sản và bước đầu đã đi vào thực tiễn; nỗ lực triển khai lắp đặt giám sát hành trình cho tàu cá theo khuyến nghị của EC, đưa hoạt động của tàu cá từng bước đi vào quy củ.

Dù vậy, đoàn công tác của EC vẫn chưa hài lòng về việc tàu cá của Việt Nam vẫn còn đánh bắt bất hợp pháp, trong khi đây là mấu chốt quan trọng để EC tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản cho Việt Nam.

Tại hội nghị, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo kế hoạch, từ ngày 25/5 - 5/6 tới, đoàn công tác của EC tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì không những không tháo gỡ được “thẻ vàng” mà nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.

Vì vậy, các bộ, ban, ngành và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển cần tập trung quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách như: tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 45/CT-TTg, các Công điện: số 732/CĐ-TTg, số 1275/CĐ-TTg, Quyết định số 78/QĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị chu đáo, hiệu quả kế hoạch và nội dung tiếp và làm việc với đoàn công tác của EC lần thứ 3 để tiếp tục kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU. 

Các địa phương, bộ, ngành cần tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, đảm bảo kiểm soát 100% sản lượng cập bến tại các cảng cá chỉ định và thu hồi 100% nhật ký khai thác của các tàu cá cập cảng để lên cá, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất sang thị trường châu Âu. Bố trí kinh phí và nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về chống khai thác IUU, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các nước và tổ chức quốc tế đối với nỗ lực, quyết tâm chính trị của Việt Nam trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU.

Đặc biệt, huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân từ trung ương đến địa phương tập trung vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện khẩn trương, đồng bộ các giải pháp để tạo bước đột phá trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Đọc thêm