Thực hiện mọi giải pháp để ứng phó, giảm thiệt hại do “siêu bão“

Chiều 8/11, tại Trụ sở Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau, bàn biện pháp khẩn cấp ứng phó với siêu bão Haiyan.
Thực hiện mọi giải pháp để ứng phó, giảm thiệt hại do “siêu bão“
Đây là cơn bão được đánh giá là có cường độ mạnh nhất trong lịch sử, sẽ đi vào Biển Đông và đổ bộ vào miền Trung.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành địa phương cho rằng trước những diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan, nhiệm vụ đặt ra trong từng phút, từng giờ là phải theo dõi sát diễn biến tình hình để chủ động phòng tránh siêu bão này.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp chỉ đạo biện pháp đối phó bão Haiyan. Ảnh: Đức Tám/TTXVN

Thủ tướng chủ trì cuộc họp chỉ đạo biện pháp đối phó bão
Haiyan. Ảnh: Đức Tám/TTXVN

Các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm tập trung chỉ đạo thông tin kịp thời cho các phương tiện vận tải hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; đảm bảo an toàn cho giao thông đường bộ, đường sắt, đường không; chuẩn bị phương tiện, vật tư kịp thời khắc phụ sự cố tại các khu vực bị sạt lở trên các trục giao thông chính.
Lãnh đạo một số bộ, ngành đề xuất cần ban hành ngay lệnh cấm biển trong khu vực được dự báo bão sẽ đổ bộ; kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về bờ, tổ chức tốt việc hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; đảm bảo an toàn hồ chứa, đập thủy điện; tính toán sử dụng điện thoại vệ tinh để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè...
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho biết các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các Công điện của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương về công tác ứng phó với siêu bão Haiyan; đặc biệt đã thực hiện quyết liệt công tác kêu gọi tàu thuyền của ngư dân vào nơi tránh trú bão an toàn; lên kế hoạch di dân những vùng nguy hiểm; yêu cầu các cơ quan hành chính các cấp của địa phương túc trực 24/24 để cập nhật thông tin, chủ động ứng phó với bão, mưa, lũ; chỉ đạo việc tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình...
Sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành địa phương báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh siêu bão Haiyan đang diễn biến hết sức phức tạp, theo cập nhật dự báo tới thời điểm hiện tại cơn bão có cường độ mạnh nhất trong lịch sử này sẽ đi vào Biển Đông và đổ bộ vào miền Trung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị là phải thực hiện tất cả các giải pháp để chủ động ứng phó với bão, giảm thấp nhất các thiệt hại về người và của do bão gây ra.
Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu các lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Trung ương, dừng tất cả các cuộc họp để ứng phó với bão.
Chính phủ cử Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đến các địa phương cùng tham gia chỉ đạo công tác phòng chống bão, Thủ tướng cho biết.
Hoan nghênh các bộ, ngành và địa phương đã triển khai tích cực Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác ứng phó với siêu bão Haiyan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương liên tục cập nhật diễn biến tình hình của bão; các cơ quan thông tin truyền thông ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, thường xuyên thông báo diễn biến của bão, mưa, lũ và chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh; giữ thông tin liên lạc thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Các địa phương chỉ đạo, yêu cầu tàu thuyền về nơi tránh trú, neo đậu an toàn, không cho tàu ra biển; đảm bảo an toàn cho các công trình dầu khí nằm trong khu vực nguy hiểm...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức di dân, đưa dân khỏi nơi nguy hiểm, nhất là vùng ven sông, ven biển, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất; chủ động cho học sinh nghỉ học; có các giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn hồ chứa, đập thủy điện; tổ chức các lực lượng chức năng túc trực, sẵn sàng cho công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch tập trung khắc phục hậu quả sau bão, nhất là về giao thông, điện, thông tin liên lạc, đảm bảo cho nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau bão.

Đọc thêm