Thực hiện nghiêm an toàn du lịch mùa mưa bão

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng 9 là mùa mưa bão ở nhiều tỉnh, thành phố. Vì vậy, các địa phương, công ty du lịch - lữ hành đã có những phương án bảo đảm an toàn cho du khách và người dân làm dịch vụ du lịch. Ngoài ra, bản thân mỗi hành khách cần phải theo dõi tình hình thời tiết để có phương án đi du lịch tốt nhất.
Du khách rời đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) trước cơn bão số 2, ngày 22/7. (Ảnh minh họa: T.Đức/NLĐ)
Du khách rời đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) trước cơn bão số 2, ngày 22/7. (Ảnh minh họa: T.Đức/NLĐ)

Các kế hoạch hỗ trợ du lịch khi bão lũ

Tháng 9 mùa cao điểm du lịch đã dần “hạ nhiệt”, nhưng các chương trình kích cầu du lịch ở nhiều tỉnh, địa phương vẫn tiếp tục. Vé máy bay, chi phí ăn, ở tại các khu lưu trú giảm giá hấp dẫn được không ít du khách quan tâm. Trước tình hình mưa bão thất thường như hiện nay, các công ty du lịch - lữ hành, cơ sở lưu trú đã phối hợp cùng tỉnh, thành phố có hàng loạt kế hoạch hỗ trợ du khách.

Để ứng phó với cơn bão số 3 YAGI, bảo đảm an toàn cho hành khách, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bi (Hải Phòng), Nội Bài (Hà Nội), Thọ Xuân (Thanh Hóa)... tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại một số thời gian cụ thể theo giờ địa phương. Vietnam Airlines cũng thông báo đổi hướng một số đường bay tránh khu vực bị ảnh hưởng bởi bão. Vietjet cũng thông báo một số chuyến bay có thể bị ảnh hưởng, phải chuyển hướng hạ cánh hoặc điều chỉnh thời gian cất, hạ cánh. Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng do mưa bão sẽ được hãng hàng không hỗ trợ.

Vào tháng 7 vừa qua, gần 700 du khách đã bị mắc kẹt trên đảo Nam Du, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, gió giật cấp 7, cấp 8, tàu thuyền không thể đi lại. Việc kéo dài thời gian lưu trú làm chi phí ăn ở của hành khách tăng lên gấp nhiều lần. Trước tình hình đó, các cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã chủ động giảm giá phòng từ 30 - 50% để hỗ trợ du khách. Bên cạnh đó, du khách còn được các chủ nhà nghỉ, khách sạn cho sử dụng lương thực, thực phẩm và bếp ăn của gia đình để nấu ăn miễn phí.

Vào tháng 8/2024, cơn bão số 2 ảnh hưởng đến các vùng biển ở Bắc Bộ, gây ra hiện tượng sóng to, gió lớn gây trở ngại cho du khách. Ở Cát Bà (Hải Phòng), khoảng 4.000 du khách đã bị mắc kẹt ở trên đảo. Trong thời gian này, UBND huyện Cát Hải đã thành lập 2 tổ công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống bão, đồng thời chỉ đạo tạm dừng các hoạt động tham quan du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Theo chỉ đạo của UBND huyện, nhiều khách sạn đã chủ động giảm giá, miễn phí phòng cho thuê, đồng thời cung cấp hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho du khách.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, hằng năm, Bộ đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường quản lý điểm đến. Bộ đề nghị các địa phương phải tiến hành rà soát, cảnh báo, có phương án bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt trong mùa mưa bão và các điều kiện thời tiết bất thường.

Chủ động ứng phó với mưa lũ

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo từ nay đến hết năm 2024, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức cao hơn trung bình so với nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, cao điểm bão lũ tại Việt Nam sẽ rơi vào khoảng tháng 9 đến tháng 11, gây ra tình trạng mưa lớn, ngập úng. Nắm được tình hình thời tiết, ban, ngành Du lịch của các tỉnh, thành phố đã chủ động đề ra phương án chuẩn bị.

Tại Ninh Bình, địa điểm hấp dẫn du khách ở miền Bắc, trong đợt mưa lũ vừa qua, để bảo đảm hành khách, người dân làm du lịch an toàn, UBND tỉnh đã ban hành văn bản giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng nhiều Bộ, ngành khác tăng cường kiểm tra tại các khu, điểm du lịch. Yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý các khu, điểm du lịch, các hãng lữ hành có biện pháp cảnh báo, thông tin để du khách nắm bắt tình hình trên địa bàn tỉnh và chủ động phòng ngừa các tai nạn. Đồng thời tỉnh đã cử thêm nhiều đội cứu hộ, cứu nạn túc trực liên tục để kịp thời ứng phó.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về chủ động ứng phó với bão số 3 (YAGI). Theo đó, bên cạnh các công tác chuẩn bị ứng phó với bão lũ. Các ban, ngành du lịch, giao thông vận tải cần phải thận trọng việc quản lý tránh xảy ra thiệt hại về người, về của. Sở Du lịch của tỉnh được chỉ đạo phải nắm chắc số lượng khách du lịch, đặc biệt là tại các khu du lịch biển; thông tin đến các doanh nghiệp du lịch về tình hình bão để các doanh nghiệp chủ động phương án đón khách. Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh theo dõi diễn biến của bão, hướng dẫn tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm và neo đậu an toàn khi có tình huống ảnh hưởng; thực hiện nghiêm việc cấm biển khi có yêu cầu.

Bên cạnh việc các ban, ngành du lịch ở tỉnh, địa phương lên kế hoạch bảo đảm an toàn du lịch. Mỗi công ty lữ hành liên tục cập nhật thông tin, theo dõi thời tiết để có phương án hỗ trợ du khách, bảo đảm an toàn tối đa trong thời điểm du lịch mùa mưa bão ở một số địa điểm. Đặc biệt, du khách cần phải theo dõi dự báo thời tiết, nắm bắt thông tin về điểm đến du lịch. Các hành khách nên đặt an toàn bản thân lên hàng đầu, không nên vì tiếc tiền bạc, thời gian mà bất chấp khởi hành, tham gia các hoạt động du lịch trong thời điểm mưa bão.

Đọc thêm