Nhiều tai nạn đáng tiếc
Mới đây, tại thắng cảnh thác Du Già (Hà Giang) đã xảy ra một vụ tai nạn khiến nạn nhân tử vong. Trong lúc nhóm sáu du khách tham gia nhảy và bơi lội tại thác, một thanh niên 24 tuổi không biết bơi nên bị đuối nước, không qua khỏi.
Được biết, thác Du Già là một thắng cảnh địa phương được du khách yêu thích trong những năm gần đây. Khu vực này có phong cảnh đẹp, ngọn thác rất hùng vĩ và nước trong vắt nên nhiều du khách rủ nhau đến trải nghiệm tắm thác. Tuy nhiên, nhiều người vì thích cảm giác mạo hiểm thường tham gia trò chơi nhảy từ trên thác cao xuống nước, thậm chí thực hiện cả những hành động nguy hiểm như lộn nhiều vòng trước khi tiếp nước.
Trước đó, một đoạn clip lan truyền trên mạng cho thấy một đôi du khách nước ngoài đã thực hiện động tác ôm nhau lộn vòng từ trên cao rơi xuống nước khiến nhiều người phải “thót tim” sợ họ đập vào đá. Địa hình nơi đây khá hiểm trở vì nhiều đá tảng, lòng suối hẹp và sâu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Mặc dù chính quyền địa phương đã đặt các bảng cảnh báo, nhưng nhiều du khách vẫn bất chấp để tìm cảm giác mới lạ.
Cũng tại Hà Giang, không ít du khách đã gặp tai nạn đáng tiếc khi tham gia những hoạt động mạo hiểm. Như tại điểm du lịch thuộc địa phận thôn Xéo Sà Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, nơi đây còn có tên “mỏm đá tử thần” với nhiều tảng đá lớn xếp chồng lên nhau một cách sơ sài, có những hòn đá nhẵn thín và trơn trượt. Cách đây không lâu, một khách du lịch người Anh trong khi leo ra mỏm đá để chụp ảnh thì trượt chân rơi xuống khoảng 2m dẫn đến chấn thương. Đây không phải là tai nạn đầu tiên diễn ra ở địa điểm nguy hiểm này mặc dù chính quyền địa phương đã liên tục cảnh báo, nhắc nhở, dựng rào chắn.
Trên cả nước cũng nhiều vụ tai nạn liên quan đến hoạt động du lịch tự phát, du lịch mạo hiểm. Có thể kể đến những tai nạn như bị nước cuốn trôi khi trượt thác, đứt cáp khi đu dây qua sông, tai nạn trên không khi tham gia các trò dù lượn, hư hỏng bình dưỡng khí khi lặn thám hiểm biển... Hậu quả của các tai nạn này có thể từ những chấn thương nhẹ, thương tích nặng nề, thậm chí tử vong.
Mạo hiểm trong an toàn
Thực tế, du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch mới nổi trong những năm gần đây, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới trẻ. Ưu điểm của loại hình du lịch này là đem đến các trải nghiệm mới lạ, thỏa mãn cảm giác chinh phục với mức phí không quá đắt đỏ.
Một số bộ môn du lịch mạo hiểm được ưa chuộng hiện nay có thể kể đến lặn biển, leo núi, trekking (đi bộ đường dài), nhảy dù, đu dây vượt thác, chinh phục đường rừng… Tuy nhiên, đằng sau sự thú vị này cũng tồn tại những rủi ro và nguy hiểm như các trường hợp kể trên.
Để du lịch mạo hiểm phát triển bền vững, bảo đảm an toàn cho du khách, chính quyền các địa phương cần đưa ra các cảnh báo nguy hiểm, xây dựng các quy định nghiêm ngặt. Các đơn vị tổ chức du lịch, khai thác tour mạo hiểm cần đặt an toàn của người tham gia lên hàng đầu, có những biện pháp bảo vệ người tham gia, ứng phó, dự phòng với các tình huống xấu. Đồng thời, bản thân những người tham gia du lịch mạo hiểm cũng cần tự trang bị những kiến thức, kĩ năng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính mình.
Anh Lê Minh Hảo, 35 tuổi, sinh sống tại Lâm Đồng, hướng dẫn viên mảng du lịch mạo hiểm nhận định, du lịch mạo hiểm đang là một “lãnh địa” đầy tiềm năng cho ngành du lịch trong nước, bởi đất nước chúng ta có địa hình tự nhiên đa dạng, nhiều cảnh đẹp hùng vĩ chưa được khai thác hết, rất thích hợp để du lịch mạo hiểm phát triển, thu hút đông đảo khách nước ngoài đến tham gia.
Tuy nhiên, theo anh Hảo, thời gian qua có không ít du khách trong lẫn ngoài nước tổ chức khám phá thắng cảnh một cách tự phát, thậm chí liều lĩnh. Nhiều nơi đã bị chính quyền cấm vì nguy hiểm nhưng du khách vẫn “vượt rào”. Ngoài ra, nhiều du khách đi du lịch mạo hiểm theo trào lưu chứ không có hiểu biết, thiếu kĩ năng, thiếu sự chuẩn bị nên dễ rơi vào nguy hiểm.
Anh Hảo chia sẻ, việc chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ các quy tắc an toàn là cực kỳ quan trọng. Điều này bao gồm việc tìm hiểu về khí hậu, địa hình nơi sắp đến. Trang bị đúng dụng cụ và kiểm tra thiết bị trước khi thực hiện hoạt động mạo hiểm. Đối với các điểm đến xa lạ và có độ nguy hiểm, nên chọn các dịch vụ chuyên nghiệp có người hướng dẫn giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, phải luôn tuân thủ các nguyên tắc an toàn, ví dụ như đi thác, hồ, biển thì cần có áo phao, sử dụng dây an toàn khi leo núi...
Anh Hảo cũng đưa ra lời khuyên, du khách cần phải tự đánh giá được mức độ sức khỏe và giới hạn của bản thân để biết nên hay không nên trước một số bộ môn mạo hiểm. Khi đi du lịch mạo hiểm, cần thường xuyên cập nhật thông tin điểm đến, giữ liên lạc với người thân, bạn bè để có thể dễ dàng cho công tác cứu nạn khi sự việc không hay xảy ra.
Du lịch mạo hiểm mang lại những trải nghiệm đáng nhớ và thử thách sức mạnh, giới hạn mỗi người. Tuy nhiên, an toàn vẫn luôn là điều kiện tiên quyết cho mọi loại hình du lịch. Bằng cách tôn trọng tự nhiên và tuân thủ quy tắc an toàn, du khách có thể tận hưởng sự thú vị của du lịch mạo hiểm mà không phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc.