Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, cải cách tiền lương không chỉ nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như phòng chống tham nhũng. Bởi vậy, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo bên cạnh việc nâng cao vai trò của các tổ chức công đoàn, đại diện cho quyền lợi người lao động cũng cần thiết phải áp dụng nguyên tắc thị trường trong cải cách tiền lương.
Trong khi đó, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam lại đề xuất nên bỏ hình thức trả lương theo cấp bậc và bằng cấp. Theo ông Chang-Hee Lee, việc đòi hỏi bằng cấp cụ thể đối với các cấp bậc cụ thể có thể dẫn đến phân biệt đối xử theo cấp giáo dục. Bên cạnh đó, đóng góp của cá nhân như bằng đại học, thạc sỹ hay tiến sỹ không nên cân nhắc khi quyết định tiền lương, nó chỉ là một phần của yêu cầu khi xin việc, căn cứ tính lương phải là chất lượng công việc.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công cho rằng, cải cách chính sách tiền lương là một vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động và tác động trên nhiều phương diện đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bởi vậy, đòi hỏi phải được cân nhắc kỹ nhiều mặt, cả về nội dung cải cách và lộ trình thực hiện.
Theo Phó Thủ tướng, không có mô hình, khuôn mẫu cải cách tiền lương áp dụng chung cho mọi quốc gia mà cần vận dụng phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng quốc gia trong từng thời kỳ... Để cải cách tiền lương thành công đòi hỏi phải thiết kế hệ thống tổng thể, hài hòa và phù hợp trên các phương diện, cả về kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và đồng thuận về chính trị trên cơ sở bảo đảm lợi ích chung cả trước mắt và trong trung, dài hạn.