Thực hư vịnh “giấu xác người” trên sông Đà

(PLO) - Hàng thế kỷ nay, người dân sống ở hàng trăm km dọc hai bờ sông Đà cứ mỗi khi có người thân bị con sông hung dữ cướp mạng, nếu không tìm thấy xác thì lại lẳng lặng dắt nhau về chực chờ ở vịnh Tiếu Ông Tiếu Bà (thuộc địa phận bản Tang Lang, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đón thi thể người thân.
Bên bờ vịnh giấu xác
Bên bờ vịnh giấu xác
Đó là một nơi hoang vu hẻo lánh, hai bên bờ sông là những dãy núi cao chót vót màu đỏ sẫm, địa hình bằng phẳng. Con sông Đà vốn hung dữ là thế, nhưng khi chảy qua khu vực này bỗng trở nên hiền hòa.

Thực hư...

Để vào được bản, chúng tôi phải đến bến phà Vạn Yên, thuê một chiếc thuyền lênh đênh ngược dòng  sông lên phía Bắc hơn 3 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Bản Tang Lang nằm ngay cạnh bờ sông, dưới chân một ngọn núi khổng lồ là núi Tiếu, hay là núi Đá Đỏ. Cả bản chỉ có lác đác hơn chục nóc nhà người Mường.
Vịnh ém xác được tạo nên bởi hai dãy núi dựng đứng, quanh co uốn lượn, là một khúc sông khá rộng, bề ngang dễ đến nửa cây số. Mặt sông đoạn này như một cái hồ trong vắt, phẳng lặng, không một gợn sóng.
Ông Đinh Quang Chưởng, Trưởng bản Tang Lang cho biết, tên vịnh Tiếu Ông Tiếu Bà bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa. Vào đầu những năm thế kỷ XX, đời sống dân chúng cực kỳ khốn khổ, thiếu đói triền miên. Một vị quan trên Lai Châu thấy tình trạng khẩn cấp như vậy đã huy động quân lính về miền xuôi thu mua lương thực, gạo, muối lên cứu tế. Chuyến đấy, bản thân ông cũng thân chinh theo đoàn.
Thời đó đường bộ xa xôi, hiểm trở, nên phương tiện vận chuyển hàng hóa lên Tây Bắc chủ yếu là thuyền, theo đường sông Đà. Cứ mỗi lần gặp những khúc sông ghập ghềnh hung dữ, ông lại huy động dân chúng hai bên bờ ra sức kéo thuyền.
Về đến dưới chân núi Tiếu, thấy phong cảnh hoang sơ hùng vĩ, ông lệnh cho quân lính neo thuyền lại, bày mâm rượu ra ngồi ngay mạn thuyền thưởng ngoạn, ngâm thơ. Con thuyền của ông lững lờ trôi trên dòng sông Đà, đến dưới chân ngọn thác phía đông núi Tiếu bỗng gặp phải một xoáy nước cực lớn, thuyền tròng trành lật úp, kéo theo vị quan cùng mấy người hầu chìm xuống dưới lòng sông.
Tin dữ báo về Lai Châu, quan bà vội vàng ra lệnh quân lính quay về Phù Yên, huy động dân chúng hai bên sông tìm  xác chồng. Tuy nhiên, quan bà chưa đến được chỗ chồng mất tích, chỉ mới đến ngọn thác phía Tây núi Tiếu thì cũng bị đắm thuyền theo.
Sau nhiều ngày tìm kiếm 2 bên bờ sông không thấy, bỗng một ngày xác chết ông quan nổi lên, dạt vào dưới chân núi Tiếu. Một con hổ lôi xác lên nhưng không hề ăn thịt, mà tìm chỗ sạch sẽ, nhẹ nhàng để ông nằm ngay bìa rừng cạnh sông.
Nhìn thấy sự việc như thế, người dân bèn lập đền thờ ngay chỗ ông được con hổ kéo vào bờ, quanh năm hương khói. Để tưởng nhớ chuyện quan ông quan bà bị sông Đà cướp mạng và trôi về khúc sông này, vịnh có tên Tiếu Ông Tiếu Bà từ ấy.
Cũng từ đó, người ta gọi ngọn núi đó là núi Tiếu Ông Tiếu Bà, vịnh Tiếu Ông Tiếu Bà, và đền thờ Tiếu Ông Tiếu Bà, thuyền bè đi qua đều phải vào cúng bái mới mong được bình yên.
Nghĩa địa cô hồn bên sông
Lão Lâm và lão Pùa, những người có tuổi trong bản xung phong chèo thuyền đưa chúng tôi đi một vòng quanh vịnh. Lão Lâm bảo: “Từ khi có sự việc đó xảy ra, dân bản ai cũng xem vùng đất này là đất thiêng, vì nó có người thần, ác thần”.
Người ta có nhiều cách lý giải khác nhau về việc xác chết tìm đường về vịnh nước này, người thì bảo là do cấu tạo địa hình của khu vực nên xác kẹt lại, có ý kiến cho rằng do các nạn nhân bất kính, không chịu cúng bái, không tin vào thần thánh nên bị “thần” trừng trị.
Theo người dân vùng Đá Đỏ, kinh khủng nhất là trận lũ quét vào năm 2007. Sau trận lũ ấy, gỗ trên thượng nguồn đổ về chật dòng sông, dân chúng đổ xô đi vớt gỗ, và vớt trúng… vài xác chết trôi. Có xác chết còn nguyên vẹn, song cũng có những xác chết không còn rõ hình hài do bị cá xâu xé.
Người dân đã quá quen với hiện tượng này và họ đều làm việc nghĩa là vớt những xác chết lên bờ, chờ người thân đến nhận. Nếu không có người đến nhận xác chết, khoảng 2 – 3 ngày sau họ sẽ tiến hành chôn cất tử tế. Chính vì thế, rải rác hai bên sông là những nấm mồ lạnh lẽo. Mộ cũng chỉ là một mô đất đắp, rồi nước lên xuống, lũ thượng nguồn đổ về nên mộ cũng không còn nhiều dấu tích nữa.
Thế nhưng trong ký ức của lão Lâm, trận lũ đó chưa kinh hoàng bằng trận lũ khoảng 20 năm về trước. “Đợt lũ năm 1991, xác người bồng bềnh đầy cả mặt sông, chúng tôi huy động cả bản Tang Lang ra mà vớt không đếm xuể, tính ra gần sáu, bảy chục xác chết”.
Lão Lâm và lão Pùa là những người cao tuổi nhất bản, cũng là những con “rái cá” lâu năm sinh sống trên khúc sông  này, cứ  thấy có vụ Hà Bá nuốt người nào, dân Mường lại gọi 2 lão đầu tiên. Nhất là lão Lâm, bao nhiêu năm lao xuống vịnh vớt xác người, lão chôn kín một mảnh đất ven sông những xác chết vô thừa nhận.
Năm trước, lại có một gia đình trên Lai Châu chít khăn tang tìm đến khúc sông này, dân bản ra hỏi mới biết họ có người nhà chết đuối không tìm thấy xác, buổi đêm nằm mộng thấy báo cứ về đây mà tìm. Hôm đấy, họ soạn một bàn thờ hướng ra phía ngôi đền, khẩn cầu thần linh thương xót cho họ tìm thấy người thân mang về quê hương chôn cất.
Hai ngày sau, có một xác chết trên thượng nguồn trôi xuống. Lão Lâm là người trông thấy đầu tiên, cùng dân bản lao ra kéo vào bờ. Nhận ra người thân xấu số, cả gia đình khóc lóc thảm thiết, thắp một nén nhang bái vọng ra đền.
Nhắc lại những sự việc đó, khoé mắt  lão đỏ hoe: “Cũng may là đầu năm ngoái, nhà nước đã quy tập hết lên mấy khu nghĩa trang trên cao rồi, mồ yên mả đẹp, còn hơn là quanh năm lạnh lẽo bên bờ sông”.
Lưu luyến
Ngôi đền Tiếu Ông và hai ngọn thác Tiếu chỉ tồn tại mấy chục năm. Những năm 1986, Thuỷ điện Hoà Bình ngăn dòng chảy sông Đà dưới xuôi, nước sông Đà dâng lên cao mấy chục mét, tất cả đều ngập chìm trong lòng nước. Dân Đá Đỏ cũng phải di chuyển lên sườn núi sinh sống.
Từ khi nước dâng lên, con sông Đà mở rộng mênh mông, dòng chảy của nó nhẹ nhàng hơn, cũng ít người chết đuối hơn. Tuy nhiên đối với dân bản địa, những huyền thoại linh thiêng, huyền bí nơi khúc sông vẫn chưa chấm dứt.
Người dân ở bản vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện về một người miền xuôi lên đây công tác đã bị tử nạn nơi ngôi đền ngập nước. Những lúc rảnh rỗi, anh toàn ra kéo lưới ngay trên khu vực ngôi đền đã chìm. Có người cao tuổi trong làng biết chuyện khuyên anh đừng bao giờ đánh bắt cá ở đó, vì chạm vào vùng đất thiêng. Anh chỉ cười trừ và bảo mình là người hiện đại, không tin vào chuyện thần linh.
Hôm đó, anh cùng lão Phúc người bản địa rủ nhau đi kéo cá trên dòng sông cạnh ngọn thác phía đông núi Tiếu. Đúng mùa lũ nước ào ạt chảy về, buổi chiều hôm đó gió mạnh, bỗng thuyền bị kéo mạnh. Con thuyền lật úp kéo theo 2 người chới với chìm dần vào dòng nước xoáy.
Lão Pùa đang trồng ngô cạnh chân núi trông thấy vậy vội hô hào dân bản lao ra cứu. Bản thân lão Phúc suốt ngày lênh đênh sông nước nên bơi cực giỏi, khi sóng đánh dạt được vào bờ thì lão cũng đã ngất lịm. 2 ngày sau, xác người miền xuôi nổi lên ngay khúc sông phía trên ngôi đền Tiếu Ông. Sau vụ đấy lão Phúc từ bỏ hẳn nghề sông nước, chỉ dám hàng ngày lên nương phát rẫy.  
Uống cạn chén rượu, lão Lâm cho thuyền nổ máy chạy về bến Tang Lang. Đi qua núi Tiếu, lão chỉ xuống dòng sông: “Trước khi đắp đập thuỷ điện Hoà Bình thì đây là chân ngọn thác Tiếu Ông, nơi quan lớn đã trở về”. Dòng sông đang phẳng lặng, bỗng một con sóng mạnh bất chợt làm chao mạn thuyền. Ai nấy giật thót.

Đọc thêm