Thực phẩm bẩn - Tết đến lại lo

(PLVN) - Thời bao cấp, cái Tết được lo từ rất sớm, có khi cả nửa năm trước. Lo sao có cân nếp, lạng thịt, lo sao có chai rượu, hộp mứt giữa thời buổi kinh tế khó khăn để có cái Tết được đủ đầy. Thời nay, khi kinh tế đã phát triển, nhà nhà, người người đã đủ ăn, đủ mặc thì nỗi lo đó không còn nữa. Nhưng lại xuất hiện một nỗi lo khác, cũng căng thẳng không kém – đó là nỗi lo thực phẩm bẩn.
Thực phẩm bẩn để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, con người
Thực phẩm bẩn để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, con người

Không lo sao được khi thực phẩm bẩn mang lại những hậu quả kinh hoàng cho đời sống, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Hay nói như một đại biểu Quốc hội thì thực phẩm bẩn là con đường ngắn nhất dẫn từ bàn ăn tới… nghĩa trang (!). Và mỗi khi Tết đến, xuân về, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh, thì thực phẩm bẩn lại tràn lan trên thị trường, khiến những người tiêu dùng dù cảnh giác nhất cũng không thể ngờ và lường hết được. 

Nỗi lo ám ảnh từ chợ đến mạng 

Còn nhớ, vào dịp Tết Nguyên đán năm 2019, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, TP HCM đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn một vụ vận chuyển lợn không đảm bảo chất lượng vào thành phố tiêu thụ. Trên chiếc xe tải mang biển kiểm soát 51D-24858, số lượng thịt lợn đã được giết mổ, phân mảnh (khoảng 40 con lợn) có những dấu hiệu bất thường.

Tất cả viền móng chân của lợn đều có mụn nước đã vỡ gây viêm loét, các móng chân bị bong tróc, không còn bám chặt vào bàn chân. May mà cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý trước khi bị đưa về các chợ, đến tay người tiêu dùng.

Trong các tháng cuối năm 2019, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi. Đầu tháng 12/2019, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 13 (Cục QLTT TP Hà Nội) phối hợp Đội 6 - Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an TP Hà Nội) phát hiện phương tiện vận tải chở 4 thùng xốp có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Qua kiểm tra, QLTT phát hiện hàng hóa trên xe gồm 110kg trứng gà non đang chảy nước và bốc mùi hôi thối không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Lái xe khai nhận, số hàng này đang trên đường tiêu thụ ở một nhà hàng trên địa bàn Hà Nội. 

Cũng thời điểm trên, Cục QLTT Hà Tĩnh phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh chặn chiếc xe container chở gần 11 tấn nội tạng đã bốc mùi đi tiêu thụ. Đêm ngày 10/12, tổ công tác tuần tra trên đường tránh 1A đoạn đi qua thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phát hiện xe container mang BKS: 51C-74298 kéo tlợn rơ-moóc 51R-07431 do Nguyễn Hữu Lô (trú xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An) điều khiển có dấu hiệu nghi vấn.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện sau thùng xe chở gần 11 tấn nội tạng động vật, chủ yếu là lòng lợn đã bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm này, tài xế không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có tem kiểm dịch động vật của số nội tạng nói trên. Tài xế khai nhận số hàng trên được chở cho một chủ hàng ở quận Bình Chánh, TP HCM để ra Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh phục vụ… dân nhậu. 

Sáng 30/12/2019, hai xe container chứa hàng tấn thực phẩm đông lạnh gồm lưỡi vịt, trứng non, nầm không rõ nguồn gốc vừa bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện tại sân siêu thị MM Mega Market, Hà Nội. Điều đáng nói là các mặt hành này đều đã bốc mùi hôi thối, hư hỏng của thực phẩm quá hạn. Tài xế container cho biết số hàng này chuẩn bị được vận chuyển vào các tỉnh miền Trung và TP.HCM để tiêu thụ.

Để tránh thực phẩm bẩn người tiêu dùng nên nói không với nội tạng đông lạnh
 Để tránh thực phẩm bẩn người tiêu dùng nên nói không với nội tạng đông lạnh

Không chỉ đưa hàng bẩn ra chợ và nhà hàng, nhiều thực phẩm bẩn còn len lỏi công khai lên mạng dưới cái mác “uy tín” khiến nhiều người khiếp hãi, còn cơ quan chức năng thì đã khó càng gặp khó. Gần đây, trên mạng rộ lên món thịt đùi gà tây rất đắt hàng vì được quảng cáo như đặc sản, là thịt tươi, giá chỉ hơn 90.000 đồng/kg. Song ít ai biết rằng, đùi gà tây đông lạnh được nhập lậu từ nước ngoài về, bốc mùi hôi thối.

Chiều tối 20/12, Đội QLTT số 28 thuộc Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất một căn nhà trọ tại địa bàn phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt đùi gà tây đông lạnh đã bốc mùi hôi thối đang được cơ sở này sơ chế để bán ra thị trường…

Kiểm soát chất lượng ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm 

Theo TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, công tác chống thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết “nóng”, song thực tế cho thấy, để hạn chế và từng bước đẩy lùi được nguy cơ mất vệ sinh ATTP ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, các cơ quan truyền thông cùng chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.

Như mới đây, với phương châm không ngồi “đút chân gầm bàn” chỉ đạo mà phải đi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu đích thân các Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp quận, huyện, thị xã phải đi kiểm tra ATTP ít nhất 1 lần/tháng, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/tuần.

Để đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực tham gia công tác thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến cơ sở, thời gian qua Hà Nội đã tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ thanh tra cho gần 4.000 công chức, viên chức và đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm tiến hành xét nghiệm cho 1.240 người.

Với việc phòng, chống thực phẩm bẩn trong dịp cuối năm, năm nào cũng vậy, trong dịp Tết nguyên đán các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm được thành lập, sẽ tăng cường việc thanh, kiểm tra. Tại các địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP đề nghị thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tỉnh/thành phố đến cấp xã phường; tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội, các làng nghề chế biến thực phẩm.

Khi nói đến bảo đảm ATTP, lâu nay, chúng ta mới quan tâm nhiều tới khâu tiền kiểm. Vì vậy, vấn đề bảo đảm ATTP chưa thật sự đi vào chiều sâu. Ðể khắc phục tình trạng này, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.

Ðiểm đáng lưu ý của Nghị định mới là quy định chuyển mạnh mẽ tlợn hướng kiểm soát chất lượng ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ðây là một bước chuyển rất lớn về tư duy và phương pháp tiếp cận đối với ATTP, kể cả với người sản xuất, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhà nước. 

Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước phải nêu cao trách nhiệm, bởi hậu kiểm thể hiện tính tự giác của người sản xuất. Vì vậy, vai trò quản lý nhà nước trong hậu kiểm rất quan trọng. Tlợn nhận định của nhiều chuyên gia, nếu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm quy định về hậu kiểm sẽ giúp người tiêu dùng kiểm soát chặt chất lượng thực phẩm trên thị trường.

Ngoài ra, hiện nay đang tồn tại một bất cập là việc kiểm nghiệm và kết quả mẫu kiểm nghiệm thực phẩm phải chờ quá lâu, đến khi có kết quả thì chủ vi phạm đã tẩu tán hết số hàng. Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hiện không cho phép xử lý vi phạm ATTP dựa trên kết quả test nhanh mẫu thực phẩm. Vì thế, cơ chế giám sát để “định tội” sản xuất thực phẩm mất an toàn còn phải chạy tlợn diễn biến thực tế, kém hiệu quả…

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng, thái độ của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn mua hàng ở những nơi uy tín. Kiên quyết nói không với những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không dễ dãi với những thực phẩm kém chất lượng, nhất là những thực phẩm “khoái khẩu” như nội tạng động vật được bảo quản đông lạnh... 

Đọc thêm