Sản phẩm thủ công được ưa chuộng
Thị trường Tết năm nay, như mọi năm, bên cạnh thực phẩm do các công ty, cơ sở kinh doanh sản xuất theo dây chuyền, còn có một lực lượng lớn thực phẩm thuộc loại "nhà làm". Những năm gần đây, thực phẩm "nhà làm" lên ngôi, với nhiều lý do.
Không thể phủ nhận, không ít sản phẩm do người bán sản xuất thủ công được chăm chút hơn về khẩu vị, gia giảm vừa phải, hoặc có "gu" trong nấu nướng chế biến, tạo ra những khẩu vị riêng, đặc biệt. Cạnh đó, một lý do quan trọng khiến thực phẩm làm thủ công được ưa chuộng, xuất phát từ mối lo an toàn thực phẩm.
Sợ ảnh hưởng sức khỏe từ các sản phẩm sản xuất công nghiệp, có chứa chất bảo quản, hóa chất, đường công nghiệp..., nhiều người tiêu dùng quyết định chọn mua sản phẩm thực phẩm thủ công, được người bán quảng bá không chất bảo quản thực phẩm, không chất tạo màu, hóa chất, hoàn toàn tốt cho sức khỏe...
Thực tế, sản phẩm thực phẩm “nhà làm” thường có giá cao hơn khá nhiều so với sản phẩm sản xuất hàng loạt. Lý do được đưa ra là sản phẩm thủ công số lượng ít, được lựa chọn nguyên liệu cẩn thận, chi phí cao hơn, sản xuất kỳ công. Như mặt hàng bánh mứt Tết, mặc dù trong siêu thị hay các cửa hàng bán đủ loại bánh mứt với giá cả phải chăng, nhưng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ số tiền cao hơn gấp rưỡi để mua trên mạng các sản phẩm "homemade".
Chẳng hạn sản phẩm mứt gừng, giá niêm yết trung bình cho các loại mứt gừng trong siêu thị lớn khoảng 200 ngàn/kg, nhưng các loại mứt "gừng sẻ" nhà làm được rao bán giá đến 300 ngàn/ kí. Tương tự, mứt dừa nhà làm được quảng cáo sử dụng màu tự nhiên cũng có giá từ 250 ngàn/kg, đắt hơn gấp rưỡi so với mứt dừa của các cơ sở sản xuất hàng loạt. Tương tự, với các loại giò, chả... và nhiều sản phẩm khác cũng thế.
Những năm gần đây, ngoài các sản phẩm bánh mứt, còn có những "bữa ăn nhà làm" được bán trên mạng. Những bữa ăn bán sẵn như thế đã giúp các gia đình "giải phóng" sức lao động những lúc bận rộn. Như dịp Tết năm nay, các sản phẩm như thịt nấu đông, lợn giả cầy, thịt kho trứng, thịt lợn ngâm mắm... được bán rộng rãi trên mạng từ những người bán thủ công, trở thành một lựa chọn hợp lý cho nhiều gia đình, thay vì phải bỏ công sức tất bận tự làm.
Tiềm ẩn không ít nguy cơ
Tuy nhiên, vì sự chênh lệch mức giá giữa sản phẩm "nhà làm" và sản xuất hàng loạt, có không ít người bán lựa chọn cách “treo đầu dê, bán thịt chó”, nhập hàng sản xuất công nghiệp về, đóng gói lại và giả làm sản phẩm "nhà làm". Chị Lê Thị Minh Tú, giảng viên đại học tại TP HCM cho biết, chị mua mứt hoa quả tại một trang Facebook có tên "Thực phẩm homemade", quảng cáo sử dụng nguyên liệu sạch, màu từ tự nhiên như lá nếp, đậu biếc, gấc... với giá cao.
Tuy nhiên, khi nhận sản phẩm, chị cảm thấy giống hệt hàng bán ngoài chợ. Nhờ người bạn là thạc sĩ công nghệ thực phẩm kiểm tra, bạn chị cho biết các loại màu trên mứt là màu thực phẩm, hoàn toàn không phải màu tự nhiên. Phản hồi với người bán, chị nhận được lời xin lỗi vì... khách đông quá phải lấy các nguồn hàng khác về bán lại chứ không làm kịp.
Thạc sĩ công nghệ thực phẩm Nguyễn Thị Minh Thảo chia sẻ, nhiều người bán thường quảng cáo sản phẩm dùng màu tự nhiên, nhưng lên hình và bán cho khách thì màu cực kì rực rỡ. Tuy nhiên, để các loại nguyên liệu tự nhiên như lá nếp, đậu biếc, gấc... lên được màu cho thực phẩm thì cần số lượng lớn và cũng chỉ ở mức độ bình thường, chứ không thể có màu rực, đậm như các hình ảnh quảng cáo sản phẩm được.
Bên cạnh đó, độ an toàn thực phẩm từ sản phẩm "homemade" cũng là yếu tố cần bàn đến. Hiện nay, với sản phẩm thủ công tự làm tự bán, người tiêu dùng chủ yếu dựa vào niềm tin đối với người bán, khi mà các cam kết "nguyên liệu sạch, tươi, an toàn", hoặc "không dùng hóa chất" chỉ là cam kết miệng, không thể kiểm chứng.
Thực tế, mang tiếng là “nhà làm”, nhưng nhiều người bán làm quy mô lớn, chạy quảng cáo với hàng trăm chủng loại, hàng ngàn sản phẩm được bán ra. Để cung cấp được số sản phẩm này cho thị trường, đặc biệt là dịp Tết thì yếu tố "nhà làm", làm thủ công khó lòng mà đảm bảo được.
Ngoài ra, một mối lo khác là về vấn đề cách bảo quản và hạn dùng của sản phẩm. Đối với sản phẩm sản xuất theo dây chuyền, có thương hiệu, hạn sử dụng là yếu tố không thể thiếu. Người dùng căn cứ vào đây để biết nên sử dụng sản phẩm tốt nhất trước thời điểm nào.
Còn với sản phẩm thủ công thì hạn dùng hoàn toàn tùy thuộc vào... cảm quan của người bán và người mua. Người bán ước chừng hạn sử dụng, còn người mua cũng tùy vào cảm nhận cá nhân để đoán sản phẩm có thể dùng được bao lâu.
Tuy nhiên, theo ThS. Thảo, việc "đoán" hạn sử dụng sản phẩm khá là không an toàn, khi mà bản thân người mua không biết thời gian sản xuất chính xác từ người bán, đồng thời, có những loại vi khuẩn, nấm mốc không thể nhận diện bằng mắt thường. Ngoài ra, nếu trong khâu chế biến, người bán không vệ sinh, để thực phẩm nhiễm khuẩn thì về tay người mua, bảo quản không đúng cách hay để quá hạn dùng càng khiến vi khuẩn sinh sôi, khả năng ngộ độc, tổn hại cơ thể cao hơn.
Không thể phủ nhận, thực phẩm thủ công trong những năm qua đã tạo nên sự phong phú, tăng sức cạnh tranh cho thị trường thực phẩm. Cũng có không ít người làm thực phẩm thủ công chất lượng, uy tín, tạo dựng được thương hiệu cho riêng mình.
Tuy nhiên, thị trường hiện nay tràn lan sản phẩm "homemade" chưa được kiểm chứng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Điều này đòi hỏi ở người tiêu dùng sự sáng suốt, thận trọng trong lựa chọn, kiểm chứng nguồn gốc sản phẩm, hiểu các nguyên tắc bảo quản và hạn dùng sản phẩm, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhất là dịp Tết đến, Xuân về như hiện nay.