Thực phẩm Tết - sự xảo trá lên ngôi

(PLVN) - Giáp Tết, người ta ra sức chuẩn bị các mặt hàng Tết và dân tình nô nức sắm Tết. Gọi là “ăn Tết” nên thứ hàng hóa đầu tiên phải nghĩ đến, phải mua sắm, buộc phải có và không thể thiếu đó là thực phẩm.
Hình minh họa
Hình minh họa

Thực phẩm Tết hết sức đa dạng từ bánh, mứt, kẹo,... đến rượu, bia, nước mắm, magi,... rồi măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, gạo nếp, gạo tẻ, đỗ xanh,... đến các loại thịt gia súc, gia cầm khác nhau. Nhỏ như một hạt tiêu và lớn như một cây giò, các loại thực phẩm tươi, khô đều phải có trong mỗi nhà.

Dạo qua các trang báo, vào “sạp” tiêu dùng, đập vào mắt là các từ cảm thán về thực phẩm Tết, kiểu như “kinh hãi công nghệ chế biến rượu vang siêu tốc”, “rùng mình với việc biến lợn chết dịch thành thịt trâu hun khói”, “nôn ọe trước nem chua làm từ thịt thiu”,... và rất nhiều thông tin khác về làm nước ngọt, mứt cạnh nhà vệ sinh, tẩy lòng bò bằng vôi xây dựng,...

Đáng nói là tình trạng mất vệ sinh, an toàn thực phẩm trong khâu chế biến, sản xuất diễn ra quanh năm, suốt tháng không hề ngơi nghỉ và khi Tết đến là dịp nó biểu dương sức mạnh trong chế biến cũng như lưu thông. Hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn ngập các chợ vùng nông thôn. Tất cả đều giả, từ chai rượu vang đến gói mỳ chính, từ cái kẹo xanh đỏ cho trẻ con đến các hộp bánh dán nhãn thương hiệu lớn.

Thị trường nông thôn rộng lớn chính là nơi tiêu thụ lý tưởng cho các loại hàng hóa này. Thế nhưng, cho đến tận hôm nay, thị trường tiêu thụ hàng giả, thực phẩm độc hại đó vẫn tồn tại thách thức các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thuế vụ hay các hiệp hội chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.

Cũng giống như trong lĩnh vực văn hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét rằng nhiều vụ vi phạm đạo đức nhưng không thấy ngành văn hóa lên tiếng, thực phẩm độc hại cũng vậy, cứ thỏa sức chế biến và lưu hành đầu độc đồng bào, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu số người mắc ung thư, nhưng ngành chuyên môn quản lý lĩnh vực này dù cố gắng vẫn chẳng thể nào kiểm soát.

Có thể coi hành vi chế biến thực phẩm là tội ác đầu độc con người và những người có trách nhiệm với xã hội mà để hành vi này xảy ra có nghĩa là đang thờ ơ với tính mạng con người. Về mặt đạo lý, thực phẩm độc hại đóng chai và đóng gói trở thành quà biếu ngày lễ tết, thay lời tri ân, ngự trị trên bàn thờ tổ tiên, trong mâm cơm sum họp, tại buổi đoàn viên là rất phản cảm, giống như một sự xảo trá lên ngôi, soán chỗ của sự trong sạch và lành mạnh! 

Đọc thêm