Thực thi Luật đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài: Hào hứng lên đường và yên tâm trở về

(PLVN) - Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, đem lại nhiều nguồn lợi cho xã hội và quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bất cập cần được sớm giải quyết, từ việc nỗ lực đưa người lao động đi làm việc cho tới việc tạo điều kiện để họ yên tâm trở về...
(Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH)

Từ thúc đẩy người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài...

Theo ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), chỉ tính riêng “Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc” (Chương trình EPS), từ năm 2004 đến nay Việt Nam đã phái cử hơn 127.000 lượt lao động đi làm việc, trong đó lao động các tỉnh phía bắc là gần 44.500 người (chiếm 40%), tập trung trong 5 ngành gồm sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp, đóng tàu. Trong Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (Chương trình IM Japan), đã có gần 9.000 lượt thực tập sinh sang Nhật Bản. Từ năm 2017 đến năm 2023, phía bắc đã có trên 1.500 thực tập sinh xuất cảnh (chiếm 41%)...

Con số trên được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy đưa người lao động các tỉnh phía Bắc đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức cuối tháng 11 vừa qua.

Cũng theo ông Đặng Huy Hồng - Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với các đơn vị thuộc bộ và trao đổi với cơ quan đại diện phát triển nhân lực của Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện các chính sách tuyển chọn ưu tiên, phù hợp với người lao động các huyện nghèo, các địa phương khu vực miền núi, các xã bãi ngang ven biển, hải đảo đặc biệt khó khăn.

Từ năm 2017 đến nay, có 4.260 người lao động thuộc huyện nghèo, các xã bãi ngang ven biển của cả nước đi làm việc đi làm việc tại nước ngoài, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Người lao động tham gia các chương trình đi làm việc ở nước ngoài đều có thu nhập tốt, điều kiện phúc lợi bảo đảm. Ở nhiều địa phương, người dân xem xuất khẩu lao động là cơ hội để xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả.

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), đến năm 2025, với hơn 2.600 tỉ đồng hỗ trợ việc làm bền vững, sẽ có ít nhất 100.000 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, vùng nghèo, khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. Đơn cử như tiểu dự án 3 (thuộc dự án về hỗ trợ việc làm bền vững) hướng tới việc cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Tiểu dự án 2, thuộc dự án số 4 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo...

Nhiều sự lựa chọn và không ít thành công như vậy nhưng thực tế đã và đang cho thấy mặc dù Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện các chính sách tuyển chọn ưu tiên đối với người lao động các huyện nghèo đi làm việc tại nước ngoài để có thu nhập tốt, xóa đói giảm nghèo, song lao động nghèo ít quan tâm.

Cụ thể, trong con số 4.260 người lao động thuộc huyện nghèo, các xã bãi ngang ven biển của cả nước đi làm việc tại nước ngoài từ năm 2017 đến nay, các tỉnh phía Bắc chỉ mới đưa được 633 lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, chiếm tỷ lệ 14,85% lao động huyện nghèo và xã bãi ngang ven biển của cả nước. Nhiều huyện nghèo ở Hà Giang (7 huyện), Cao Bằng (7 huyện), Điện Biên (7 huyện), Lai Châu (4 huyện), tỷ lệ người lao động đi làm việc tại nước ngoài vẫn còn hạn chế, chỉ có 169 người lao động...

Lý giải nguyên nhân, là do tại vùng sâu, vùng xa, trình độ văn hóa, nhận thức và ý thức kỷ luật của người lao động chưa cao; đồng bào dân tộc không muốn con em đi làm xa. Nhằm khắc phục triệt để tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đề nghị các đơn vị thuộc bộ, các Sở LĐ-TB&XH cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài để người lao động yên tâm trở về tham gia thị trường lao động trong nước.

“Các đơn vị chức năng của Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương, đặc biệt là Trung tâm Lao động ngoài nước cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp để tăng cường số lượng, chất lượng lao động phái cử. Đặc biệt chú trọng các giải pháp để đưa đi được nhiều người lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

Đến tạo cơ hội việc làm để người lao động yên tâm về nước

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Thực tế cho thấy, nếu người lao động đi làm việc tại nước ngoài khi về nước tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, thì họ sẽ yên tâm về nước khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần giảm tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp tại các quốc gia có ký kết về xuất khẩu lao động với Việt Nam.

Đơn cử như, cuối tháng 11 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (DVVL HN) phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước giúp cho người lao động có cơ hội tìm việc làm trong nước.

Anh Nguyễn Hữu Thường sinh sống tại Quốc Oai, Hà Nội là một lao động vừa hết hạn hợp đồng theo chương trình EPS về nước, chia sẻ với truyền thông cho biết, anh sang làm việc tại Hàn Quốc với mức thu nhập gần 50 triệu/tháng theo chương trình EPS của Bộ LĐ-TB&XH. Vừa mới hết hợp đồng lao động theo quy định về nước, anh Thường đến với Hội chợ việc làm mong muốn tìm kiếm được công việc phù hợp với bản thân, với mức lương mong muốn từ 8 triệu trở lên.

Tại phiên GDVL đã có 3 đơn vị phỏng vấn anh và đã hẹn ngày đến trực tiếp công ty để trao đổi thêm về công việc. Anh Thường vui mừng nói: “Rất biết ơn Bộ LĐ-TB&XH, vì không chỉ tạo điều kiện cho tôi có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình EPS với chi phí phù hợp, sau khi về nước tôi lại được tạo điều kiện, giới thiệu công việc phù hợp để nhanh chóng có công việc phù hợp và ổn định cuộc sống”.

Theo Trung tâm DVVL HN, trong những năm qua, cả nước có hơn 130.00 lượt lao động và riêng thành phố Hà Nội đã có gần 7.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo chương trình EPS và IM Japan về nước theo đúng hợp đồng. Việc tổ chức Hội chợ việc làm nhằm giúp cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật bản theo chương trình IM Japan về nước tìm việc làm, ổn định cuộc sống, qua đó động viên người lao động yên tâm về nước khi hết hạn hợp đồng lao động. Từ đó góp phần giảm tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, nhiều người lao động còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm của mình sau khi về nước khiến nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc lo lắng khi sắp hết hạn hợp đồng sẽ không tìm được việc làm ở quê hương. Vì thế việc hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa hết sức thiết thực.

“Đây là cơ hội cho người lao động nói chung cũng như lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Đồng thời, để người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc”, ông Nam cho biết.

Ngày 8/11/2023, tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ông Đào Ngọc Dung đã cho biết, để không lãng phí nguồn lực lao động nước ngoài trở về nước, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang thực hiện các giải pháp như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm cho đối tượng này; kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài như trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước thì có thể lao động ở các doanh nghiệp Nhật Bản, sẽ phát huy được năng lực; hoặc trường hợp lao động ở doanh nghiệp trong nước có thể sang doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, có quy định bổ sung hình thức lao động ngắn hạn, thời vụ, theo mùa… để tận dụng năng lực, sở trường, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này được vay vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh...

“Theo tinh thần Luật đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, trung bình 1 năm có khoảng 120 nghìn đến 143 nghìn người đi lao động ở nước ngoài. Trong đó riêng 2023, đã có 112 nghìn người đi lao động ở nước ngoài, chủ yếu đi Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Nguồn lực lao động nước ngoài này trung bình một năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5 - 4 tỷ USD”.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Đọc thêm