Thuế xuất khẩu dăm gỗ tăng: Người trồng rừng “lãnh đủ”?

(PLO) - “Chính phủ điều chỉnh thuế xuất khẩu dăm gỗ, 130 doanh nghiệp (DN) chế biến dăm gỗ sẽ là nhóm đối tượng phải chịu thuế, nhưng trên thực tế, đối tượng chịu thuế là các hộ gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số, những người trực tiếp triển khai chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc…”, đại diện một DN nhận định.
5 tháng đầu năm 2016, lượng dăm xuất khẩu chỉ bằng 61% cùng kỳ năm trước
5 tháng đầu năm 2016, lượng dăm xuất khẩu chỉ bằng 61% cùng kỳ năm trước

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành chế biến gỗ, song bước sang năm 2016, xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm khi 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này chỉ bằng 58% so với cùng kỳ. 

Nếu như năm 2015 kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ đạt gần 1,2 tỷ USD, tương đương với trên 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gỗ, tổng lượng dăm xuất khẩu năm 2015 đạt gần 8,1 triệu tấn dăm khô, tương đương với 16,2 triệu mét khối về nguyên liệu thì bước sang năm 2016, kim ngạch và lượng xuất khẩu của mặt hàng này bắt đầu suy giảm nghiêm trọng. 

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dăm đạt 248 triệu USD. Lượng dăm xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2016 đạt 1,8 triệu tấn, bằng 61% tổng lượng dăm xuất khẩu trong cùng kỳ năm 2015.  Số DN trực tiếp tham gia xuất khẩu năm 2016 là 64 DN (năm 2015 là 101 DN).

Dự báo, nếu từ nay đến cuối năm 2016, xu hướng xuất khẩu này không thay đổi và kim ngạch xuất khẩu cả năm 2016 sẽ chỉ đạt ở mức trên dưới 600 triệu USD; lượng dăm xuất khẩu cả năm sẽ chỉ đạt trên dưới 7 triệu tấn, tương đương khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu của năm 2015.

Theo Tổ chức Forest Trends, nguyên nhân chủ yếu cuả sự suy giảm này là do giá  dăm đã giảm mạnh trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, việc nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc đang giảm dẫn đến sự ùn tắc trong xuất khẩu. 

Đáng nói, trong bối cảnh xuất khẩu dăm gỗ gặp khó thì bước vào năm 2016, thuế xuất khẩu dăm gỗ đã được điều chỉnh tăng từ 0% lên 2% theo Thông tư 182 của Bộ Tài chính. Theo đại diện Công ty Liên doanh Nguyên liệu giấy Huế, việc áp dụng thuế xuất khẩu 2% đối với mặt hàng dăm gỗ mới hơn nửa năm nhưng tác động của chính sách đã ảnh hưởng rõ nét đến các DN dăm gỗ nói riêng cũng như ngành chế biến các sản phẩm từ gỗ nói chung.

 “Kể từ khi Thông tư mới được ban hành đến khi có hiệu lực là chưa đến 2 tháng, do vậy rất nhiều  DN dăm gỗ đã không kịp giải phóng hết lượng hàng tồn kho thu mua từ trước. Như vậy, DN phải cộng thêm 2% thuế xuất khẩu vào giá thành của mỗi đơn vị sản phẩm tồn kho, điều này gây thiệt hại rất lớn cho  chúng tôi…”’, đại diện DN phản ánh.

Điều đáng lo ngại hơn là với việc tăng thuế xuất khẩu, sẽ ảnh hưởng đến ưu thế cạnh tranh của dăm gỗ trên thị trường quốc tế khi đàm phán các hợp đồng mua bán. “Có một sự trùng hợp vô cùng bất lợi cho các DN dăm gỗ, khi chính sách thuế xuất khẩu 2% đưa ra đúng vào lúc thị trường giảm cầu, giảm giá; đã tạo nên một hiệu ứng kép đè nặng lên giá thành sản phẩm của DN dăm gỗ, làm mất ưu thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khách có xu hướng chuyển dịch sang mua dăm gỗ của các nước khác do giá thành tại Việt Nam cao hơn mặt bằng thế giới nhưng chất lượng lại giảm…”, DN này phân tích.

Chưa hết: “Chính phủ  điều chỉnh thuế xuất khẩu dăm gỗ thì 130 DN chế biến dăm gỗ sẽ là nhóm đối tượng phải chịu thuế, nhưng trên thực tế, đối tượng chịu thuế là các hộ gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số, những người trực tiếp triển khai chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc…”, đại diện Công ty TNHH Liên doanh Cát Phú lo ngại.

Cụ thể, thuế xuất khẩu 2% khiến chi phí nguyên liệu tăng (2,5-2,8 USD/tấn) trong lúc cầu và giá xuất khẩu giảm, một số DN tìm cách chuyển các chi phí này xuống khâu đầu tiên của chuỗi cung. Đó là các hộ gia đình trồng rừng và kết quả là những hộ không có nguồn thu thay thế bắt buộc phải bán rừng và bị thua thiệt, lợi ích từ rừng trồng bị giảm sút. 

Được biết, việc tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ nằm trong định hướng của Chính phủ nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ nâng cao giá trị gia tăng cho nguồn gỗ rừng trồng, tăng thu nhập cho các hộ dân. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT  Hà Công Tuấn, chủ trương nhất quán của Nhà nước là giảm tỷ trọng dăm gỗ trong cơ cấu xuất khẩu chứ không phải bằng biện pháp hành chính để “bóp” ngành này. Ông Tuấn nói: “Quan hệ cung - cầu mới là gốc của vấn đề. Nếu không nhìn nhận, tiên liệu được thì không bao giờ giải quyết được”.

Đọc thêm