Vừa bị tuyên án 22 năm tù về tội “Cố ý làm trái” và “Tham ô tài sản” trong vụ án Dương Chí Dũng, tới đây, nguyên Tổng Giám đốc Cty Sửa chữa tàu biển Vinalines Trần Hải Sơn (SN 1960) lại tiếp tục bị TAND tỉnh Khánh Hòa đưa ra xét xử về tội “Tham ô tài sản”, đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình do tham ô hơn 2,6 tỷ đồng từ việc sửa chữa ụ nổi 83M.
Ụ đồng nát: người mua “ăn” tiền tỉ, người sửa cũng xén tiền tỉ
Ngày 15/3/2008, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ký hợp đồng mua ụ nổi 83M (gọi tắt là ụ nổi) thuê vận chuyển từ Liên bang Nga về. Gần 3 tháng sau, hàng về cảng Vân Phong. Do tình trạng ụ nổi đã cũ, hư hỏng nhiều nên Vinalines ký hợp đồng thuê Nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin sửa chữa, đến tháng 3/2010 hết 197 tỷ đồng.
Giữa năm 2008, Vinalines có công văn giao nhiệm vụ cho Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (là đơn vị thành viên của Vinalines do Sơn làm Tổng Giám đốc) quản lý, giám sát việc sửa chữa. Tiếp đó, Vinalines cho phép công ty của Sơn thay mặt ký và thực hiện các hợp đồng phụ, thanh toán với các nhà thầu sửa chữa ụ nổi và ủy quyền cho Sơn thực hiện các văn bản trên.
Tháng 8/2008, lợi dụng việc được giao quản lý, ký hợp đồng sửa chữa một số phần của ụ nổi và thanh quyết toán, Sơn và cấp dưới Trần Văn Quang (SN 1976, Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường của Công ty) đã móc nối với Trần Bá Hùng (SN 1979, Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Hyundai Vinashin) và Phạm Bá Giáp (SN 1972, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân, tỉnh Khánh Hòa) thực hiện hành vi gửi giá và lập khống khối lượng vật tư sửa chữa trong hai bản hợp đồng để rút tiền Nhà nước, chiếm hưởng cá nhân.
Hùng được Hyundai Vinashin giao nhiệm vụ trực tiếp phụ trách và sửa chữa phần vỏ ụ nổi. Đầu tháng 7/2008 khi việc này gần kết thúc, Hùng thấy còn một số khối lượng thay tôn phần vỏ ụ nổi bằng thép và kẽm chống ăn mòn cần phải được thay nên gặp Quang, người được Sơn giao phụ trách theo dõi toàn bộ hoạt động sửa chữa ụ nổi, đặt vấn đề xin thi công hạng mục phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn với giá thấp hơn thực tế đang thi công và sẽ trích phần trăm bồi dưỡng nếu Quang chấp nhận.
Ụ nổi 83M |
Nghe vậy, Quang đã báo lại nội dung trao đổi với Sơn. Sơn đồng ý giao khối lượng thay thế phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn cho Hùng thi công với đơn giá khoảng 25 – 26 ngàn đồng/kg sắt thay thế. Tuy nhiên, Sơn không đồng ý trích phần trăm như Hùng đặt vấn đề mà chỉ đạo Quang yêu cầu Hùng khi ký và thanh toán hợp đồng phải chấp nhận mức giá 12 ngàn đồng/kg, và Hùng phải mượn một pháp nhân để hai bên ký hợp đồng làm thủ tục thanh quyết toán.
Mặc dù được chỉ đạo như vậy nhưng Quang lại thống nhất với Hùng gửi giá 10 ngàn đồng/kg trên khối lượng thực tế thi công. Ngoài ra, Quang còn yêu cầu Hùng phải “lại quả” cho mình 10% giá trị của hợp đồng khi thanh toán. Hùng đồng ý cả hai yêu cầu nêu trên.
“Rửa” hàng tỷ tiền “bẩn” để nhận 40 triệu đồng “tiền công”
Để ký và thanh toán được phần việc sửa chữa theo thỏa thuận, Hùng đã gặp cậu vợ mình là Phạm Bá Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân, nhờ cho mượn pháp nhân của công ty để ký hợp đồng và thanh quyết toán khối lượng sửa chữa hạng mục phần sắt hàn thay thế, đồng thời nhờ cậu đi đăng ký thêm ngành nghề sửa chữa tàu biển cho phù hợp.
Hùng đề nghị sẽ chi 40 triệu đồng, Giáp đồng ý. Nhanh chóng Hùng lập hợp đồng, hoàn thiện hồ sơ để thanh toán, mua hóa đơn hợp thức đầu vào để công ty của Giáp hạch toán sổ sách, lập báo cáo với cơ quan thuế. Giáp ký hợp đồng, biên bản nghiệm thu, thanh quyết toán và nhận tiền do Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines thanh toán, rút chuyển cho Hùng.
Ngày 10/8/2008, Quang và Hùng đã soạn thảo biên bản khảo sát ụ nổi, một ngày sau, lập dự toán sửa chữa. Giáp ký xong đưa cho Quang chuyển cho “sếp” Sơn ký. Biên bản nghiệm thu sau đó được thực hiện. Khối lượng thi công thực tế là 154.558kg sắt, đã được Hùng và Quang nâng khống thêm 30.992kg, đưa vào biên bản nghiệm thu để rút tiền ăn chia.
Tháng 10/2008, Quang đã lập bản quyết toán phần việc theo hợp đồng đã ký với công ty của Giáp, số tiền là hơn 7,3 tỷ đồng. Đến tháng 12/2008, hai đối tượng ký biên bản thanh lý hợp đồng.
Tài liệu điều tra xác định: Từ ngày 17/11/2008 đến ngày 9/1/2009, Công ty sửa chữa tàu biển Vinalines đã chuyển từ tài khoản hơn 6,7 tỷ đồng đến tài khoản của Công ty Nguyên Ân. Còn lại 543 triệu đồng, trước đó Quang đã lập hai phiếu thu khống, đề ngày 15/8 và ngày 5/10/2008 để Giáp ký, nội dung Công ty Nguyên Ân nhận tạm ứng tiền sửa chữa ụ nổi 83M theo hợp đồng. Sau đó, Quang làm thủ tục hoàn ứng để hợp pháp hóa cho việc quyết toán rút số tiền trên. Cảnh sát xác định, Quang và Hùng đã “ăn” hơn 1,5 tỷ đồng. Tổng cộng, số tiền gửi giá và quyết toán khống khối lượng tại hợp đồng là hơn 2,6 tỷ đồng.
Từ số tiền này, “bộ tứ” đã ăn chia như thế nào và chi mua quà biếu cho Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines và Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Vinalines ra sao? Xin mời theo dõi kỳ 2 trên Báo Pháp luật Việt Nam, số ra ngày thứ Ba - 13/5/2014.H.V