Chưa có người nhận trách nhiệm "vung" chục triệu USD mua "phế phẩm"

(PLO) - Ngày đầu tiên xét xử, Dương Trí Dũng và đồng bọn vẫn quanh co đổi lỗi cho nhau về trách nhiệm nhập những ụ nổi phế thải vào Việt Nam.
Chưa có người nhận trách nhiệm "vung" chục triệu USD mua "phế phẩm"

Được xác định là người có vai trò chính nhưng trong phần trả lời của mình, Dương Chí Dũng chỉ nhận trách nhiệm rất “nhẹ nhàng” rằng, bị cáo có lỗi là đã không sâu sát, để xảy ra sai phạm tại đơn vị.

Quá trình mua ụ nổi 83M, Dũng chối bỏ rằng: “Bị cáo không định hướng, không chỉ đạo mua ụ nổi như thế nào, không chỉ đạo đoàn cán bộ đi Nga khảo sát ra sao. Chỉ được Tổng Giám đốc (bị cáo Mai Văn Phúc) báo cáo đề xuất mua một ụ nổi do Cty Nakhodka (Nga) bán. Còn việc mua bán, thanh toán như thế nào thì bị cáo không biết. Bị cáo  không can thiệp vào quyền của Tổng Giám đốc vì quan hệ giữa hai người cũng không tốt lắm”.

Cũng “đổ” trách nhiệm cho cấp dưới như bị cáo Dũng, bị cáo Phúc biện minh cho sai phạm của mình rằng: “Mới lên nắm quyền nên quyết định đều phụ thuộc vào sự tham mưu của cấp dưới, đã qua thẩm định của các Ban”.

Tuy nhiên, cả Dũng và Phúc đã đều phải thừa nhận việc mình biết và đồng ý Vinalines mua ụ nổi 83M qua trung gian và khả năng mua phải “giá ảo” là rất lớn. Dũng khai:“Phải mua ụ nổi qua AP vì nếu mua thẳng từ Cty Cty Nakhodka thì thủ tục nhập khẩu sẽ rất khó khăn, phức tạp” và “bị cáo  khá thân thiết với ông Goh Hoon Seow- Giám đốc Cty AP và được ông này nhờ giúp đỡ trong việc bán ụ nổi 83M cho Vinalines”.

Còn bị cáo Phúc thì khai:“Bị cáo đã hỏi Đoàn khảo sát xem có gặp chủ sở hữu ụ nổi không, có biết Cty AP hưởng hoa hồng bao nhiêu không vì bị cáo không muốn bên trung gian ăn quá nhiều tiền trong vụ mua bán này”.

Việc chỉ đạo mua ụ nổi 83M “bằng mọi giá” còn được làm rõ qua lời khai của bị cáo Trần Hữu Chiều, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines: “Trước khi chúng tôi đi Nga, bị cáo Phúc có chỉ đạo, cố gắng mua ụ nổi 83M qua AP. Chính vì vậy, tôi cũng nhờ bị cáo Lê Đăng Dương (Đăng kiểm viên của Cục Đăng kiểm- PV): Thực tế ụ nổi thì thế rồi. Anh xem thế nào vì anh Dũng, anh Phúc muốn mua ụ nổi này”.

Từ những chỉ đạo trên, đoàn khảo sát đã cho ra đời bản báo cáo để Vinalines “hào hứng” mua một ụ nổi có tuổi đời 43 năm với giá 9 triệu USD qua trung gian là Cty AP mặc dù trước đó, Cty AP chỉ mua ụ nổi này với giá 2,3 triệu USD.

Dương Chí Dũng còn quyết định chi thêm hơn 10 triệu USD để lai dắt, sửa chữa nhưng đến nay, ụ nổi này vẫn không thể sử dụng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 367 tỷ đồng Việt Nam.
Dương Chí Dũng đã trốn chạy đến sân bay New York (Mỹ)
Khai về hành trình bỏ trốn của mình, Dương Chí Dũng cho biết “nghe tin mình bị khởi tố vào chiều tối 17/5/2012, bị cáo đã hoảng loạn và quyết định bỏ trốn luôn chứ không quay về nhà nữa. 
Lúc đó, bị cáo quá hoảng hốt và chỉ nghĩ bỏ trốn càng xa càng tốt và nghĩ rằng nên trốn sang Mỹ vì visa vào Mỹ của bị cáo còn hạn. 
Lúc đầu, bị cáo trốn sang Campuchia rồi mua vé máy bay đi Mỹ, quá cảnh qua Singapore và Đức. Tuy nhiên, khi đến sân bay New York (Mỹ) thì phía Mỹ không cho nhập cảnh và cho biết bị cáo đã phạm pháp ở Việt Nam. Bị cáo bị buộc phải quay trở về Campuchia và bị bắt ở đây vào tháng 9/2012.

Khi bình tĩnh lại, bị cáo thấy việc bỏ trốn là sai lầm, là dở nhất. Trong lúc hoảng loạn, bị cáo đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác

Đọc thêm