Thuốc lá làm nóng: Quan ngại và quan điểm từ giới chuyên môn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong năm vừa qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép một loại sản phẩm thuốc lá làm nóng đầu tiên được phép tiếp thị tại thị trường này, có chỉ định là sản phẩm thuốc lá giảm thiểu phơi nhiễm với các chất gây hại lên cơ thể so với thuốc lá điếu. 

Quyết định này của FDA cũng đồng thời là lời giải cho một số quan ngại của các chính phủ trên thế giới về việc gia tăng người dùng trẻ. Những quan ngại khác cũng được giải đáp bởi các chuyên gia. 

“Về mặt logic, giảm thiểu phơi nhiễm sẽ giúp giảm thiểu tác hại”

Đến nay, các cơ quan y tế cho rằng quyết định của FDA chỉ cho phép sản phẩm được chỉ định “giảm phơi nhiễm” nhưng điều đó không chứng minh sản phẩm thuốc lá làm nóng giảm nguy cơ bệnh tật đối với sức khỏe người sử dụng. Thêm vào đó, cũng đã có một số chuyên gia y tế đưa ra những nhận định đi ngược lại quyết định của FDA khi cho rằng sản phẩm không khác biệt so với thuốc lá điếu. 

Theo thông tin chính thức từ FDA, những nghiên cứu về thuốc lá làm nóng đã chứng minh rằng khí hơi aerosol do các sản phẩm này tạo ra vẫn có chứa hàm lượng các thành phần có hại và có tiềm năng gây hại, bao gồm: formaldehyde, acrolein, cacbon monoxit; NNN và NNK (các chất liên quan đến các bệnh lý khói thuốc lá điếu gây ra) nhưng thấp hơn đáng kể  so với các loại thuốc lá điếu đốt cháy hiện đang lưu hành. Cụ thể, tùy vào từng loại chất hàm lượng trung bình có trong khí hơi aerosol sẽ giảm từ 55% đến 99% so với khói của thuốc lá điếu. 

FDA công bố một sản phẩm thuốc lá làm nóng được kinh doanh tại Mỹ như là sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ.
FDA công bố một sản phẩm thuốc lá làm nóng được kinh doanh tại Mỹ như là sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ. 

Đồng thời, FDA cũng cho biết trong quá trình thẩm định hồ sơ, FDA đã lấy ý kiến người dùng. Kết quả cho thấy, người dùng cũng nhận thấy rằng nguy cơ của việc sử dụng những sản phẩm này thấp hơn so với hút thuốc lá điếu đốt cháy. Tuy nhiên, họ cũng hoàn toàn nhận thức được việc sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng này sẽ có nguy cơ cao hơn so với bỏ thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế nicotin. 

PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP HCM nhận định, về mặt logic, giảm thiểu phơi nhiễm sẽ giúp giảm thiểu tác hại.  

PGS. TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung Ương cũng nêu quan điểm: “Từ góc độ của bác sĩ chuyên khoa ung thư, khi bệnh nhân hút thuốc, lượng chất gây ung thư phơi nhiễm càng lớn thì nguy cơ ung thư càng cao. Và đối với thuốc lá, có một điều quan trọng đó là: nicotin không phải nguyên nhân gây ra ung thư do hút thuốc lá mà nguyên nhân gây ra bệnh ung thư là do các phân tử trong khói tạo ra từ quá trình đốt cháy thuốc lá”. 

Thuốc lá làm nóng: Giới trẻ khó tiếp cận hơn nhiều lần so với thuốc lá điếu

FDA Hoa Kỳ là cơ quan y tế uy tín tại Mỹ cũng như trên toàn cầu. Theo đó, bảo vệ thế hệ trẻ và sức khỏe người dân chính là mục tiêu hàng đầu của FDA. Do đó, việc cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng duy nhất được phép tiếp cận tại thị trường Mỹ cho thấy họ đã có những nghiên cứu bài bản, cân nhắc kỹ trước khi đưa đến quyết định. 

Không chỉ tại Mỹ, mà tại những nước sản phẩm này được phép thương mại, giới trẻ gần như không thể tiếp cận được sản phẩm. Để có thể mua được hàng, người mua phải trải qua quá trình kiểm tra thông tin để đảm bảo người mua là người hút thuốc và ở độ tuổi trưởng thành theo quy định của nước sở tại. 

Đồng thời, dù cho phép sản phẩm thuốc lá này được phép thương mại, nhưng FDA cũng yêu cầu nhà sản xuất phải thường xuyên cập nhật quy trình bán hàng, thương mại để đảm bảo kiểm soát sự tiếp cận của giới trẻ đối với sản phẩm này ở mức thấp nhất. Trong khi đó, so với thuốc lá làm nóng, giới trẻ có thể dễ dàng mua thuốc lá điếu ở bất cứ nơi nào với mức giá rẻ như cho. 

Đại diện FDA, TS Priscilla Callahan-Lyon khẳng định, FDA đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề tác động của sản phẩm lên giới trẻ. Theo đó, về mặt ngoại quan, thuốc lá làm nóng là bộ thiết bị khá lớn, khó che giấu và lại có giá không hề rẻ, phải dùng kèm điếu thuốc đặc chế riêng và sản phẩm này cũng không chứa hương liệu hấp dẫn giới trẻ. 

Không chỉ tại Mỹ, tại các quốc gia cho phép lưu hành thuốc lá làm nóng, mức độ tác động của sản phẩm này đến giới trẻ hay người dùng mới gần như nằm trong mức kiểm soát. Mặc dù chiếm đến 85% doanh số thuốc lá làm nóng toàn cầu nhưng chỉ 0,1% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Nhật Bản có sử dụng thuốc lá làm nóng hàng ngày, tức chỉ bằng 1/5 tỷ lệ học sinh hút thuốc lá điếu đốt cháy. Điều đáng lưu ý là số học sinh sử dụng thuốc lá làm nóng cũng chính là nhóm đối tượng đã sử dụng thuốc lá điếu trước đó. 

Theo một nghiên cứu độc lập với 7.000 thanh thiếu niên trên tại Đức, số người ở độ tuổi từ 12-17 tuổi có sử dụng sản phẩm thuốc lá làm nóng trong vòng 30 ngày trước khảo sát là gần như bằng 0. Một nghiên cứu độc lập khác với hơn 11.000 thiếu niên từ 11-15 tuổi tại Thụy Sĩ cũng cho thấy, chỉ có dưới 2% đã từng sử dụng thuốc lá làm nóng, trong khi số người hút thuốc lá điếu đốt cháy ở cùng độ tuổi này lên đến trên 33%. 

Đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý: Không vi phạm Công ước khung FCTC 

Trong một hội thảo được tổ chức gần đây, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phát biểu: “Bộ Y tế đề nghị không cho phép nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vì các sản phẩm này gây nghiện, có hại với sức khỏe, không thể đưa sức khỏe người dân ra thí điểm”.

Nếu theo luận điểm trên thì vô hình trung, thuốc lá điếu - sản phẩm có mức độ gây nghiện và gây hại cao nhất đối với sức khỏe người dùng và cộng đồng - lại trở thành sản phẩm được bảo hộ độc quyền và người tiêu dùng không còn quyền lựa chọn sản phẩm giảm thiểu tác hại. 

“Những người hút thuốc không đáng phải chết chỉ bởi vì họ không biết về các sản phẩm cung cấp nicotin ít gây hại hơn”, Cliff Douglas - Giám đốc Mạng lưới Nghiên cứu Thuốc lá của Đại học Michigan, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Thuốc lá của Hiệp hội Ung Thư Hoa Kỳ (ACS), nguyên Cố vấn Tư vấn về Chính sách Kiểm soát Thuốc lá cho Tổng Y sĩ Hoa Kỳ nhận xét.

Trong khi đó, Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công nhận thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá. Do đó, nếu Việt Nam quản lý thuốc lá làm nóng như luật quản lý thuốc lá hiện hành tại nước sở tại cũng hoàn toàn phù hợp với những gì mà Công ước Khung đã quy định. 

Luật sư Phan Hoàng Lâm, Công ty Luật TNHH DT LAW.
Luật sư Phan Hoàng Lâm, Công ty Luật TNHH DT LAW. 

Mặt khác, Luật sư (LS) Phan Hoàng Lâm, Công ty Luật TNHH DT LAW cho rằng: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) năm 2012 định nghĩa “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. 

Trên cơ sở này, thuốc lá làm nóng được xem là “thuốc lá” vì có chứa thành phần lá thuốc lá, phù hợp với khái niệm “thuốc lá” theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Bởi vậy, loại thuốc này hoàn toàn nên được quản lý bởi Luật PCTHTL của Việt Nam.

Theo LS Lâm, để quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói một cách hiệu quả hơn, Việt Nam cần xem xét đến các căn cứ khoa học trên quốc tế để đánh giá, so sánh về mức độ gây hại sức khỏe của thuốc lá không khói so với thuốc lá điếu đốt cháy. Đồng thời, với chức năng quản lý Nhà nước, để tạo sự tự do cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà sản xuất, các sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước cần ngay lập tức đề ra kế hoạch xây dựng hành lang pháp lý cho việc sản xuất, lưu hành và kiểm soát những sản phẩm này.  

Đọc thêm