Đồng loạt chuyển đổi thương hiệu
Siêu thị Big C xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1998 dưới sự quản lý của một tập đoàn của Pháp. Đến năm 2016, một tỷ phú Thái Lan (Chủ tịch của Central Group), chính thức hoàn tất thương vụ mua lại quyền sở hữu Big C tại Việt Nam. Thời hạn mà Central Group được dùng thương hiệu Big C để kinh doanh tại Việt Nam là 10 năm theo hợp đồng chuyển nhượng.
Vào năm 1998, sự xuất hiện của Big C đã mang lại một làn sóng mới về cách “đi chợ” của người dân Việt. Có thể thấy, Big C đã trở thành một điểm đến quen thuộc của khách hàng với hệ thống siêu thị và đại siêu thị ở 20 tỉnh, thành trên toàn quốc. Triết lý kinh doanh của Big C cũng thay đổi từ “giá rẻ nhất” thành “giá luôn luôn thấp” sau khi chuyển quyền sở hữu sang tỷ phú Thái Lan.
Những chương trình “Sinh kế cộng đồng” cũng được Big C triển khai ở nhiều địa bàn khó khăn trên cả nước, như Quảng Ngãi, Sơn La… với tầm nhìn “Đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam” và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt. Hàng năm, Big C cũng đã xuất khẩu nông sản Việt thông qua hệ thống siêu thị với doanh số tăng đều mỗi năm.
Theo đại diện Central Retail (một thành viên của Central Group) - đơn vị quản lý và vận hành hệ thống siêu thị Big C cho biết, Central Retail đã chuẩn bị cho quá trình đổi tên các hệ thống siêu thị và đại siêu thị Big C trên toàn quốc từ khá sớm nhưng phải sau 5 năm, hoạt động này mới chính thức bắt đầu. Và ngày 1/3 vừa qua, nằm trong kế hoạch tái định vị thương hiệu, 5 đại siêu thị và 7 siêu thị Big C đã hoàn tất chuyển đổi thành những thương hiệu truyền thống của Central Retail là Go! và Tops Maket.
Theo đó, 3 siêu thị Big C tại TP HCM (hiện là các siêu thị đặt tại các tòa chung cư), bao gồm: Big C An Phú, Big C Thảo Điền và Big C Âu Cơ chính thức khoác lên mình diện mạo mới với tên gọi: Tops Market. 5 đại siêu thị Big C ở Bình Dương, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Cần Thơ và Quảng Ninh lần lượt đã hoàn thành đổi tên thành Đại siêu thị GO! Dĩ An; GO! Nha Trang; GO! Cần Thơ; GO! Vĩnh Phúc và GO! Hạ Long.
Dự kiến, 4 siêu thị Big C tại Hà Nội (The Garden, Hà Đông, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn) cũng sẽ hoàn tất việc chuyển đổi, nâng cấp thành Tops Market vào quý 3 năm nay. Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng đã chuẩn bị cho quá trình khoác áo mới cho các hệ thống khác mang tên Big C trên toàn quốc, dự kiến hoàn tất trong năm 2021. Ngoài ra, Central Retail cũng đã đầu tư xây dựng mới các Đại siêu thị GO! hoạt động tại các trung tâm thương mại GO! tại Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Buôn Ma Thuột, Quảng Ngãi.
Bất lợi hay thuận lợi?
Việc tái định vị thương hiệu của Big C gây khá nhiều bất ngờ cho khách hàng. Tuy nhiên, đại diện Central Retail cho biết, việc chuyển đổi thương hiệu không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng cũng như các nhà cung cấp. Bởi bước chuyển mình này hoàn toàn nằm trên cơ sở kế thừa những thành công của Hệ thống Big C hơn 22 năm qua và sẽ được giữ gìn, phát triển tốt hơn.
Cụ thể, các cam kết sẽ tiếp tục được giữ vững và phát triển như đa dạng chủng loại sản phẩm hơn; Không gian mua sắm hiện đại, thoải mái hơn với sự nâng cấp về chỗ đậu xe, chỗ ngồi nghỉ chân và các gian hàng tích hợp trong trung tâm thương mại; Cơ sở vật chất được nâng cấp đến từng chi tiết nhỏ (như xe đẩy, giỏ hàng, túi xách…); Phong cách phục vụ chuyên nghiệp hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn. Điều đặc biệt hấp dẫn sẽ tiếp tục được duy trì ở đại siêu thị GO! đó là, vẫn luôn đảm bảo tiêu chí “giá luôn luôn thấp”.
Với các siêu thị chuyển đổi thành Tops Market, Central Retail cũng đảm bảo khách hàng sẽ có được trải nghiệm nhiều dịch vụ hoàn toàn mới, đảm bảo 3 tiêu chí: Thực phẩm hữu cơ tươi sống đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng uy tín và đặc biệt là dịch vụ khách hàng tận tâm chỉn chu.
Một chuyên gia thương hiệu nói với PLVN, việc bất ngờ thay đổi thương hiệu của Big C ít nhiều cũng sẽ gây tác động đến tâm lý khách hàng vì họ có thể suy nghĩ Big C bây giờ mới “đổi chủ” chứ không hề biết chuyện Big C đã đổi chủ từ 5 năm trước. Điều này sẽ xuất hiện sự băn khoăn về chất lượng hàng hóa khi thực hiện bước chuyển này.
Tuy nhiên, một may mắn với hệ thống này là tất cả các địa điểm kinh doanh vẫn được giữ nguyên nên chắc sẽ không có chuyện “hụt khách hàng”. Do đó, việc duy nhất mà Centail Retail cần làm là duy trì và đẩy mạnh hơn chất lượng hàng hóa và thế mạnh “giá luôn luôn rẻ” của họ thì việc giữ chân khách hàng là điều đơn giản. Chưa kể, việc chuyển đổi này có thể sẽ trở thành lợi thế “hút” khách hàng hơn vì nhiều người sẽ có tâm lý “tò mò” khi muốn tìm hiểu một thương hiệu mới.