“Chốt” năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã “đăng bạ” (Sổ Đăng ký Quốc gia) cho 24 thương hiệu của các địa phương, vùng miền, quốc gia. So với hàng trăm thương hiệu sản phẩm tài sản trí tuệ (TSTT) của vùng miền đang có hiện nay, con số nói trên còn quá nhỏ và “mong ước” để các thương hiệu ấy bay cao, bay xa hơn còn là điều quá xa vời.
Bay xa…
Ngài Dr. Dominique Franscois De Stoop - Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam cho biết, mới đây Cục SHTT Việt Nam đã cấp đăng ký Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) rượu “Scotch whisky” cho Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen. Đó là một minh chứng cụ thể về việc Việt Nam đang nỗ lực g thực thi các Điều ước Quốc tế về SHTT. Qua đó thấy rằng, dù ở bất cứ đâu, nước nào trên thế giới, ý thức bảo vệ TSTT, giá trị truyền thống và thương hiệu tập thể của từng vùng miền, địa phương luôn được coi trọng giữ gìn.
|
Một ví dụ khác là gần đây TP. Huế đã vinh dự nhận bằng bảo hộ CDĐL ”Huế” cho sản phẩm nón lá Huế. Theo ông Phan Ngọc Thọ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL “Huế” cho sản phẩm nón lá đã phần nào nâng cao hơn nữa giá trị cùng uy tín của chiếc nón Huế, nghề làm nón lá ở Thừa Thiên - Huế không chỉ trong cả nước mà còn cả trên thế giới.
Hoặc với sản phẩm bưởi Phúc Trạch – Hà Tĩnh, Cục SHTT cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL. Đó là việc tôn vinh thương hiệu bưởi nổi tiếng đã thịnh hành dưới triều đại Vua Tự Đức của nước ta từ xưa kia và cũng là bảo vệ và phát triển một loại gen bưởi nổi tiếng ở miền nhiệt đới mà không có quốc gia nào có được như ở Việt Nam.
Theo chuyện dân gian kể lại, cách đây gần 200 năm, trong vườn nhà của một gia đình ở xã Phúc Trạch có một cây bưởi đơn đột biến tự nhiên cho những quả vàng ươm, ăn ngon khác lạ. Người dân trong vùng bắt đầu chiết cành giâm trồng từ cây bưởi này. Đến nay, giống bưởi này đã thành đặc sản của vùng và được gọi là bưởi Phúc Trạch, tên của xã nơi xuất xứ giống bưởi này. Quả bưởi Phúc Trạch có hình cầu dẹt hoặc tròn, phần sát cuống phẳng.
Vỏ quả khi chín có màu vàng chanh. Cùi quả có màu trắng hoặc phớt hồng, dai, khi bóc tách ít bị gãy, dễ bóc tách. Múi quả có kích thước đều nhau, vách múi giòn, lưng các múi kết với nhau tạo nên mặt cầu phẳng. Tép múi có màu trắng hoặc phớt hồng, hình tép thẳng suôn đều, ráo và giòn. Quả có nhiều hạt chắc, từ 50 đến 80 hạt/quả. Khi nếm bưởi Phúc Trạch có vị ngọt thanh xen lẫn chua nhẹ, không đắng, he nhẹ…
Trong danh sách các CDĐL được “đăng bạ” mà Cục SHTT công bố, người ta đã thấy có nhiều cái tên như cam – Vinh; chè – Tân Cương; gạo một bụi đỏ - Hồng Dân; vỏ quế - Văn Yên; chuối Ngự - Đại Hoàng… Tổng thể đã có 24 thương hiệu của vùng miền được đăng bạ.
Cục trưởng Cục SHTT ông Trần Việt Hùng cho rằng, còn rất nhiều các thương hiệu của vùng miền, địa phương cần được đăng bạ bảo vệ, tuy nhiên các sản phẩm phải mang dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Các sản phẩm mang CDĐL được bảo hộ khi đã đáp ứng các điều kiện như sản phẩm mang CDĐL có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với CDĐL; Sản phẩm mang CDĐL có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với CDĐL đó quyết định.
…và đợi bay cao
Ông Trần Việt Hùng cho rằng, hiện nay, ý thức bảo hộ và phát triển uy tín cho các đặc sản địa phương được các tỉnh và các địa phương rất quan tâm và bước đầu đã có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, một thực tế là hầu như sản phẩm nổi tiếng nào cũng dễ bị làm giả, làm nhái, và hàng giả, hàng nhái khá đa dạng và phổ biến trên thị trường liên quan đến các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là năng lực còn hạn chế của các tổ chức quản lý tập thể, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa tổ chức này với các cơ quan liên quan tại địa phương, cũng như với các cơ quan quản lý, thực thi quyền.
Tổ chức tập thể của các nhà sản xuất/kinh doanh cần tiến hành đăng ký xác lập quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý làm cơ sở cho việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền. Tổ chức tập thể cần thường xuyên theo dõi, phát hiện kịp thời các hành vi làm hàng giả, hàng nhái để thông báo và phối hợp kịp thời với các cơ quan thực thi xử lý một cách kịp thời. Bên cạnh đó, các tổ chức tập thể cần tiến hành các hoạt động phổ biến, tuyên truyền cho người tiêu dùng biết cách phân biệt hàng thật với hàng hóa giả mạo và hàng hóa xâm phạm quyền.
Cục SHTT cam kết, sẽ tập trung để xử lý đơn đăng ký một cách nhanh chóng, chính xác. Cục SHTT sẽ cung cấp đầy đủ các ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi để xử lý kịp thời và triệt để các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Các cơ quan quản lý nhà nước về SHCN tại địa phương cũng cần tăng cường vai trò của mình trong việc hỗ trợ, tư vấn đối với tổ chức tập thể, thành viên của các tổ chức này, cũng như trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi của địa phương nhằm xử lý những hành vi xâm phạm quyền bị phát hiện.
Về phía các cơ quan thực thi quyền, trong phạm vi cả nước, việc tăng cường thực thi quyền của các cơ quan liên quan như Quản lý thị trường, Thanh tra KH&CN, Công an kinh tế, Tòa án theo đúng các Chỉ thị về tăng cường chống hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT vừa qua cũng thúc đẩy hoạt động xử lý xâm phạm quyền mạnh mẽ hơn theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có bảo vệ hữu hiệu các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với đặc sản của các địa phương mình.
Thu Trà