Thương hiệu xi măng nghìn tỷ trả về “chính chủ”

Sau hai năm phải trở thành bị đơn trong một vụ kiện hành chính do Công ty TNHH Xuân Mai khởi xướng…, tưởng có lúc công lý đã không được thực thi với bản án khuất tất của TAND tỉnh Hòa Bình, nhưng lẽ phải không thể chối cãi, cuối cùng  Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT – Bộ Khoa học và Công nghệ) đã bảo vệ thành công quyết định của mình trước Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm TAND Tối cao.

Sau hai năm phải trở thành bị đơn trong một vụ kiện hành chính do Công ty TNHH Xuân Mai khởi xướng…, tưởng có lúc công lý đã không được thực thi với bản án khuất tất của TAND tỉnh Hòa Bình, nhưng lẽ phải không thể chối cãi, cuối cùng  Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT – Bộ Khoa học và Công nghệ) đã bảo vệ thành công quyết định của mình trước Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm TAND Tối cao.

Như Pháp luật Việt Nam có loạt bài phản ánh, từ năm 2010, Cty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh (Cty Bình Minh) phát hiện vỏ ngoài bao xi măng của Công ty TNHH Xuân Mai (Cty Xuân Mai) có in hàng chữ “Xi măng pooc lăng hỗn hợp Trung Sơn”,  thương hiệu này trùng với tên Nhà máy Xi măng Trung Sơn của Cty Bình Minh đã được các Bộ, ngành cấp phép.

Trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cty Bình Minh đã có văn bản gửi Cục SHTT yêu cầu hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 82099 bảo hộ nhãn hiệu “Trung Sơn - xi măng pooc lăng hỗn hợp - Hòa Bình - Việt Nam, hình” đã cấp cho Cty Xuân Mai. Sau quá trình thẩm định, Cục SHTT cũng đã có Quyết định số 2470 hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận hàng hóa đối với Cty Xuân Mai.

Không nhất trí với quyết định này, Cty Xuân Mai đã đệ đơn ra toà án, yêu cầu hủy bỏ Quyết định 2470.

Ngày 24/2/2012 tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Hòa Bình đã ra Bản án số 01/2011/HCST chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Cty Xuân Mai, tuyên hủy Quyết định số 2470/QĐ-SHTT và Quyết định 904/QĐ-SHTT của Cục SHTT liên quan đến việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (GCNĐKNHHH) 82099. Ngay sau phiên tòa có nhiều dấu hiệu khuất tất này, bị đơn là Cục SHTT và bên có liên quan là Cty Bình Minh đều có đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm TANDTC.

Sau hai lần hoãn phiên tòa do sự vắng mặt của phía Cty Xuân Mai, ngày  9/4/2013, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã mở phiên toà hành chính phúc thẩm xét xử vụ kiện Cty Xuân Mai khởi kiện Quyết định hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH 82099 .

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng Thực thi và giải quyết  khiếu nại, Cục SHTT đã trình bày các nội dung trái pháp luật của Bản án sơ thẩm  cũng như các căn cứ phù hợp để Cục SHTT ra các  quyết định huỷ bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH số 82099.

Đại diện Cty Bình Minh cũng trình bày rõ về quá trình lâu dài xây dựng và triển khai dự án “Nhà máy xi măng Trung Sơn” đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt từ trước khi Cty Xuân Mai  nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, cũng như những thiệt hại do hành vi đăng ký nhãn hiệu của Cty Xuân Mai gây ra, đồng thời khẳng định hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Cty Xuân Mai qua việc nộp đơn và sử dụng nhãn hiệu “Trung Sơn”.

Cty Xuân Mai vẫn tiếp tục mướn Luật sư có khiếu hùng biện Nguyễn Hồng Bách  để biện hộ tại phiên phúc thẩm. Tuy nhiên, trước sự công minh của Tòa Tối cao“kịch bản” như tại phiên sơ thẩm đã không lặp lại.

Sau khi nghe trình bày của các bên,  đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đều nhận định hành vi đăng ký nhãn hiệu của Cty Xuân Mai là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quy định khi đăng ký tên địa danh “Trung Sơn” mà không được phép của chính quyền.

Theo đó, Hội đồng xét xử đã quyết định cải sửa Bản án sơ thẩm theo hướng giữ nguyên Quyết định số 2470/QĐ-SHTT và Quyết định 904/QĐ-SHTT của Cục SHTT (quyết định giải quyết khiếu nại của Cục SHTT hủy bỏ một phần hiệu lực GCNĐKNHHH số 82099 đã cấp cho Cty Xuân Mai, cụ thể là loại bỏ phần chữ “Trung Sơn” trong GCNĐKNHHH của Cty Xuân Mai).

Trả lời Pháp luật Việt Nam, đại diện Cục SHTT cho hay, để xảy ra tình trạng phức tạp như hiện nay là do có sự không thống nhất giữa các  cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình, trong khi UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt dự án “Nhà máy Xi măng Trung Sơn” của Cty  Bình Minh và dự án này đã triển khai nhiều năm thì Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình lại cho phép Cty Xuân Mai (có dự án xi măng tại Hòa Bình) đổi tên thành Cty Trung Sơn, và đây cũng là nội dung được Hội đồng xét xử rất quan tâm và yêu cầu các bên cung cấp tài liệu,  làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm.

“Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực kể từ khi tuyên án, các bên có nghĩa vụ phải chấp hành, điều đó có nghĩa rằng Cty Xuân Mai không còn quyền sử dụng nhãn hiệu “Trung Sơn” cho sản phẩm xi măng theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 82099”, đại diện Cục SHTT, nói.

Việt Hưng

Đọc thêm