Tăng trưởng trên 20% hàng năm
Tại diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2018 mới diễn ra, ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, những năm qua, tốc độ phát triển của TMĐT rất nhanh, mức độ tăng trưởng được đánh giá khá nhanh so với nhiều nước trên thế giới.
Theo thống kê, mỗi năm TMĐT ở Việt Nam tăng trưởng trên 20%. Năm 2017 trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website TMĐT cho thấy, doanh thu tăng trưởng 35%.
Trong lĩnh vực thanh toán, theo Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng tới 75%. Tại lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng đạt từ 100% đến 200%. Ông Đặng Hoàng Hải nhận định, mức tăng trưởng nhanh này cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng TMĐT nhiều hơn.
So với giao dịch theo phương thức truyền thống, giao dịch điện tử nhanh chóng và tiện dụng hơn rất nhiều. Theo bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng – đại diện Nielsen miền Bắc, trong năm 2017, Việt Nam đã có 53,86 triệu người truy cập vào Internet, 33% người tiêu dùng Việt thực hiện giao dịch chuyển khoản khi mua sắm trực tuyến. Bà Hà nhận định, trong thời gian tới việc thanh toán không bằng tiền mặt sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng phòng TMĐT và Logistics, Tổng Cty Bưu điện Việt Nam (VNPost), ngoài các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang bắt đầu tham gia vào thị trường TMĐT. Số lượng các đơn hàng TMĐT tăng rất mạnh, ước tính khoảng 60%/năm. Theo thống kê của VNPost, doanh thu bán lẻ hàng hóa qua các kênh TMĐT những năm gần đây chiếm 3,4-3,7% so với tổng giá trị bán lẻ hàng hóa chứng tỏ tốc độ bán lẻ hàng hóa qua các kênh TMĐT ngày càng tăng.
Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, theo đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), vẫn còn nhiều thách thức lớn như các chính sách và hành lang pháp lý của Việt Nam hiện vẫn còn sơ sài. Qua kiểm tra có 5 nhóm hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực TMĐT: Nhiều doanh nghiệp “không biết” là phải đăng ký và thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Có những doanh nghiệp lớn cũng không nắm rõ quy định về giao kết hợp đồng trong kinh doanh TMĐT; Việc minh bạch và công khai hóa những chính sách và quy định ở trên các website để thông tin cho người mua biết quyền và nghĩa vụ các bên còn hạn chế; Tiếp theo là vi phạm về khuyến mại trực tuyến, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến trách nhiệm của người bán như đổi, trả hàng, bảo hành, giao hàng không đúng gây ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Cuối cùng, các sàn giao dịch TMĐT còn hạn chế về cả ý thức và nhân lực để có thể kiểm soát và ngăn chặn những hành vi buôn bán không đúng quy định trên sàn của mình nên các vi phạm vẫn xảy ra.
Nhiều khó khăn trong quản lý thuế
Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho hay, hiện nay việc cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp còn vướng mắc vì một số loại hình TMĐT chưa có trong danh sách các loại hình được phép kinh doanh. Vì thế, cơ quan thuế chưa xác định được hình thức thu thuế phù hợp.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang sử dụng hóa đơn giấy là chủ yếu, chiếm 91,8% nên khó khăn trong việc quản lý. Cùng với đó là sự phức tạp của hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm số trực tuyến; nhiều giao dịch nhỏ lẻ bằng tiền mặt. Đặc biệt là khó khăn trong quản lý thu thuế nhà thầu và các giao dịch xuyên biên giới dẫn tới việc không thể truy thu và xác định được thuế chính xác.
Bà Mai cho rằng, cần sửa đổi một số quy định của các luật về thuế hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến và phù hợp thông lệ quốc tế. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các mô hình thu thuế điện tử, khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử để 100% người nộp thuế tiếp cận được với phương thức giao dịch này. Để quản lý thuế với hoạt động TMĐT mang tính khả thi cao, cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan.
Cùng quan điểm, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Vũ Tú Thành cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu những lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ và xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp cũng như các tổ chức khác cung cấp dịch vụ theo mô hình này trên nguyên tắc chung là nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các cơ quan rà soát tình hình và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý việc sử dụng các hình thức thanh toán trên internet liên quan tới các hành vi vi phạm pháp luật.
Thông tin nêu rõ, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động internet thời gian qua, nổi lên hiện tượng tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên internet sử dụng một số hình thức thanh toán mới để thanh toán cho các hoạt động phi pháp như đánh bạc, mua bán hàng hoá, dịch vụ phi pháp,...
Do vậy, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, trong tháng 5/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý đối với việc sử dụng các hình thức thanh toán trên internet, đặc biệt là các hoạt động thanh toán liên quan tới các hành vi phạm pháp luật (trốn thuế, đánh bạc, rửa tiền,...).