Thương mại trong nước: “Trụ đỡ” tăng trưởng kinh tế

(PLO) - Thương mại trong nước năm 2016 diễn ra sôi động. Điều này thể hiện tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, sức mua người dân tăng cao.
Năm qua, giá các mặt hàng trong nước ổn định, cung - cầu bảo đảm, nhất là các mặt hàng như xăng dầu, điện, lương thực, thực phẩm
Năm qua, giá các mặt hàng trong nước ổn định, cung - cầu bảo đảm, nhất là các mặt hàng như xăng dầu, điện, lương thực, thực phẩm

Thương mại điện tử lên ngôi

Theo thống kê của Bộ Công thương, năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2015. Nếu xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2016 ước tính đạt 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức và tăng 10,2% so với năm trước, trong đó tăng cao ở nhóm lương thực thực phẩm (tăng 13,6%) và nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (tăng 11,4%). 

Bộ Công Thương đánh giá, thương mại điện tử ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với thương mại bán lẻ. Theo đó, doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2016 ước đạt 5 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn gấp đôi từ 2,2 tỷ đô la Mỹ năm 2013 và chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2016.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với năm 2015. Đây là tỷ lệ tăng đáng mừng vì CPI bình quân năm 2016 cao hơn so với năm 2015 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI bình quân của một số năm gần đây. CPI tháng 12 năm 2016 tăng 4,74% so với tháng 12 năm 2015, đạt mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra.

Từ những kết quả trên, Bộ Công thương nhận định, thương mại trong nước tiếp tục đóng vai trò là “trụ đỡ” quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội so với GDP năm 2016 đạt mức 86%, cao hơn so với 77,3% của năm 2015.

Nhìn lại năm qua, giá cả các mặt hàng trong nước ổn định, cung cầu được bảo đảm, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, lương thực, thực phẩm. 

Theo Bộ Công thương, để thị trường ổn định, có đóng góp không nhỏ của các đơn vị quản lý thị trường. Theo đó, đơn vị này đã tập trung triển khai ngay từ đầu năm để tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là ở các địa bàn trọng tâm và mặt hàng trọng tâm, qua đó đã nâng cao trật tự thị trường, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh phát triển. 

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại... được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý, góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh. 

Chưa xử lý dứt điểm gian lận thương mại  

Ngoài việc đánh giá cao những thành tựu đạt được của thị trường trong nước, Bộ Công thương cũng chỉ ra những hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, Bộ này chỉ ra rằng, tổng mức bán lẻ hàng hóa tuy tiếp tục duy trì tăng trưởng nhưng mức tăng nhìn chung còn chưa cao như kỳ vọng. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ cả nước cả năm tăng khoảng 7,8%, thấp hơn mức tăng 8,5% của năm 2015. Trong đó, nhóm có tỷ trọng lớn là nhóm bán lẻ hàng hóa có mức tăng không cao như nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc....

Hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu vẫn chưa phát triển bền vững. Hạ tầng thương mại xét về tổng thể vẫn còn yếu kém và lạc hậu, chưa đáp ứng được so với đòi hỏi phát triển của ngành thương mại và phát triển thị trường trong nước. 

Một nhược điểm khác là quy hoạch vùng sản xuất và thị trường chưa cân đối do sản xuất nông sản phân tán. Mặt khác, sản xuất chưa theo quy hoạch còn khá phổ biến nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng còn khó khăn; bố trí mùa vụ sản xuất không tập trung nên dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thay đổi gây nên khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ ở một số thời điểm. Điển hình như đối với trường hợp dưa hấu, thanh long…

Bộ Công thương nhận thấy, công tác kiểm soát thị trường trong nước dù đã được tăng cường nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa được ngăn chặn và xử lý cơ bản các hoạt động gian lận thương mại trên thị trường. Đặc biệt tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu và các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh vẫn còn diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, khi bị phát hiện thì chống đối liều lĩnh, gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường thi hành nhiệm vụ. 

Một vấn đề nổi cộm khác mà Bộ Công thương cũng đã đề cập đến  là tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên các mặt hàng nông sản được bán trên thị trường. Theo đánh giá của Bộ này, thì tình trạng trên vẫn còn phổ biến, chưa được kiểm soát chặt chẽ, tiềm năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bộ Công thương nghề nghị các đơn vị liên quan như quản lí thị trường, thanh tra ngành nông nghiệp... cần có biện pháp đẩy lùi tình trạng thực phẩm bẩn khỏi các chợ và gian hàng thương mại.

CPI thấp hơn bình quân nhiều năm trước

“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với năm 2015. Đây là tỷ lệ tăng đáng mừng vì CPI bình quân năm 2016 dù cao hơn so với năm 2015, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI bình quân của một số năm gần đây. CPI tháng 12 năm 2016 tăng 4,74% so với tháng 12 năm 2015, đạt mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra.”

Đọc thêm