Đó là thông tin được ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi Tọa đàm Thương mại và đầu tư Việt Nam – Trung Quốc 2017 vừa được diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Đỗ Kim Lang, hiện nay Trung Quốc vẫn là thị trường thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời quốc gia này cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, năm 2016, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt 72 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 22 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 50 tỷ USD, tăng 0,9%; nhập siêu 28 tỷ USD, giảm 13,67% so với năm trước đó.
Ông Lang cho rằng, điểm đáng chú ý trong quan hệ thương mại với Trung Quốc năm 2016 là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hai con số, trong khi tốc độ nhập khẩu về giảm đáng kể (chỉ tăng 0,9%, trong khi các năm trước đều tăng hai con số. Tuy nhiên sang năm nay, điều đáng buồn là nhập siêu từ Trung Quốc có xu hướng tăng lên. Theo đó, hết tháng 3/2017, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc đạt 18,9 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD, còn nhập về lên tới 12,7 tỷ USD. Như vậy tỷ trọng nhập siêu từ Trung Quốc là 6,5 tỷ USD, tăng 1%.
Ông Li Yuan, Giám đốc Trung tâm ASEAN – Trung Quốc cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các quốc gia ASEAN, đồng thời Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 9 trên thế giới của Trung Quốc. Theo ông Li Yuan, thời gian tới, Việt Nam và Trung Quốc có thêm nhiều cơ hội để hợp tác phát triển, nhất là khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với ASEAN. “Việt Nam có vị trí địa lí đặc biệt, là cửa ngõ để Trung Quốc thâm nhập vào thị trường ASEAN”, ông Li Yuan nói. Ông này cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có nhiều nét tương đồng, khả năng hỗ trợ cao. “Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm, khả năng đầu tư cao trong khi Việt Nam có nguồn lao động lớn, nhân công tương đối rẻ”, lời ông Li Yuan.
Theo Giám đốc Trung tâm ASEAN – Trung Quốc, mối quan hệ thương mại Việt - Trung khăng khít và bền vững. Bằng chứng là trong bối cảnh ngoại thương Trung Quốc có sự sụt giảm từ đầu năm và chưa có dấu hiệu phục hồi; nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước ASEAN đều giảm thì kim ngạch nhập hàng hóa từ Việt Nam vẫn duy trì ấn tượng ở mức tăng trưởng hai con số. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim; rau quả; sơ, sợi dệt các loại…
Tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2017, Trung Quốc là quốc gia đầu tư đứng thứ 8/116 quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam, với 1.615 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 11,1 tỷ USD; đầu tư tập chung vào các lĩnh vực chủ yếu như công nghiệp chế tạo, năng lượng, bất động sản, dệt may, điện tử, dịch vụ…
Như vậy, có thể thấy quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ, nhiều lĩnh vực với quy mô lớn. Điều đáng quan tâm là trong bối cảnh đó, Việt Nam phải làm gì để gia tăng xuất khẩu, tránh hiện tượng kéo dài nhập siêu với giá trị lớn với Trung Quốc?
Theo ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, nước này có nhu cầu lớn về nhập khẩu, do đó Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh hàng hóa xuất sang Trung Quốc. “Mỗi năm quốc gia này nhập khẩu lên tới 2.000 tỷ USD", ông Hoàng nói. Cũng theo vị tham tán, trước đây Trung Quốc có lợi thế về nhân công rẻ, nhưng hiện nay ở nước này giá nhân công ngày một tăng lên, khiến nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm kiếm cơ hội làm ăn ở việt Nam. Cũng theo ông Hoàng, do nhu cầu hàng hóa của người Trung Quốc là rất lớn nên tới đây, một số sàn thương mại điện tử nước này sẽ thâm nhập vào Việt Nam, mua hàng hóa Việt Nam để cung cấp cho thị trường trong nước. Đây là cơ hội lớn để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, giảm tỷ trọng nhập siêu từ quốc gia láng giềng.