5 nghề có mức lương cao nhất: Theo đó, ở cấp bậc nhân viên/kỹ thuật viên, nghề tư vấn- hỗ trợ kinh doanh xếp đầu với mức lương 7 triệu đồng/tháng, tiếp theo là nghề công nghệ thông tin và nhân sự ở mức 6,5 triệu đồng.
Đối với người lao động là chuyên viên/kỹ sư: Thứ tự lương tháng trung bình cao nhất lần lượt: Kiến trúc-xây dựng (12 triệu đồng), tư vấn-hỗ trợ kinh doanh (10,5 triệu đồng); khách sạn-nhà hàng (10,2 triệu đồng), công nghệ thông tin (9,25 triệu đồng) và truyền thông với lương trung bình tháng 8,5 triệu đồng. Năm 2016, nhóm nghề khách sạn-nhà hàng có mức tăng lương đáng kể và lọt top 5 nghề có mức lương trung bình cao nhất.
Ở phân khúc lao động cấp bậc quản lý/giám sát: Dẫn đầu là nhóm nghề bất động sản và hàng không (lương trung bình là 28,5 triệu đồng/tháng và 28 triệu đồng/tháng); tiếp theo là nhóm nghề dược phẩm, tài chính và tiếp thị với mức lương lần lượt 23,2 triệu đồng, 22,5 triệu đồng và 22 triệu đồng mỗi tháng.
5 nghề có mức thưởng cao: Nghề bất động sản dẫn đầu trong bảng xếp hạng khi có mức thưởng trung bình năm cao nhất. Ở cấp bậc quản lý/giám sát có mức thưởng 65 triệu đồng; cấp bậc chuyên viên/kỹ sư là 16 triệu đồng và cấp bậc nhân viên/kỹ thuật viên là 7,3 triệu đồng.
Nghề dược phẩm đứng thứ hai trong bảng xếp hạng thay vì dẫn đầu như năm 2015 với mức thưởng trung bình năm 55 triệu đồng đối với cấp bậc quản lý/giám sát và 12,750 triệu đồng ở cấp bậc chuyên viên/kỹ sư. Ba vị trí có mức thưởng cao tiếp theo lần lượt là nghề tài chính, tiếp thị và hàng không với mức thưởng từ 22,5-25 triệu đồng đối với nhân sự quản lý/giám sát.
Ba ngành có tỷ lệ nghỉ việc cao: Báo cáo khảo sát cho thấy tỷ lệ nghỉ việc trung bình theo ngành trong năm 2016 là 12,96% (năm 2015 là 11,58%). Ba ngành có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao nhất là dược phẩm-y tế (33,8%); Bán buôn-bán lẻ (17,3%) và xây dựng-bất động sản (15,7%).
Giải thích tại sao ngành dược phẩm- y tế có thu nhập cao nhưng lại có tỷ lệ nghỉ việc dẫn đầu, đại diện đơn vị khảo sát cho biết con số trên phản ảnh thực tế cạnh tranh nguồn nhân lực khốc liệt ở nhóm ngành, nghề này.
Khó tiếp cận lương, thưởng ngành ngân hàng: Chia sẻ tại buổi công bố báo cáo khảo sát, đại diện đơn vị khảo sát nói rằng họ khó tiếp cận thông tin lương, thưởng của các ngân hàng. Trong kết quả khảo sát hai năm vừa qua, không có sự tham gia tất cả ngân hàng. Tuy nhiên từ kết quả thu thập, nhìn chung nhóm ngành, nghề ngân hàng, tài chính không thuộc top doanh nghiệp trả lương cao.
Dự đoán thưởng Tết 2017 không cao: Theo dự đoán về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2016, dịp thưởng cuối năm 2016 -2017 các doanh nghiệp có kế hoạch tăng mức thưởng cao hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất khó tăng mức thưởng do năm 2016 đã điều chỉnh mức tăng lương cao hơn so với năm trước do sự thay đổi của chính sách lương tối thiểu của Nhà nước.
Vì vậy, nhóm chuyên gia dự báo mặt bằng tiền thưởng năm nay không có sự khác biệt so với năm 2015, các doanh nghiệp cho biết mức thưởng thông thường sẽ là 1 tháng lương bình quân trong năm của người lao động. Đồng thời hiện tượng thưởng Tết ở mức cao đột phá dự báo vẫn có nhưng không phổ biến như các năm trước.
Thiếu nhân sự cấp cao: Đây là nhận định chung của nhóm khảo sát trực tuyến. Cụ thể ở phân khúc nhân sự cấp cao, kết quả khảo sát trực tuyến cho thấy tăng đến 36% về lương và 20% về mức thưởng trung bình. Cụ thể nhóm nghề Quản lý - Điều hành vẫn đứng đầu với mức lương trung bình là 47 triệu đồng/tháng và mức thưởng trung bình 91 triệu đồng/năm.
Năm 2016 tiếp tục ghi nhận mức độ khó tuyển dụng ở nhóm nghề này luôn ở mức cao (mức độ khó tuyển dụng theo thang điểm 5 cao nhất là 4,27/5). Điều này cho thấy phân khúc nhân sự cấp cao có sự thiếu hụt khá lớn tại thị trường Việt Nam.
Dự báo mức lương 2017 tăng nhẹ: Kết quả khảo sát công bố tỷ lệ tăng lương trung bình năm 2016 là 10,8%, tăng nhẹ so với năm 2015. Trong đó ngành dược phẩm-y tế có mức tăng cao nhất là 18%. Ngành tài chính - bảo hiểm - chứng khoán từ vị trí dẫn đầu năm 2015 tụt xuống thứ ba với tỷ lệ tăng lương 12,8%. Nhóm chuyên gia dự báo năm 2017, tỷ lệ tăng lương nhìn chung tăng nhẹ.
Mức độ chính xác của khảo sát ở mức nào? Trả lời câu hỏi này, đại diện đơn vị khảo sát giải thích mục đích của công ty là cung cấp thêm thông tin để doanh nghiệp, người lao động tham khảo, biết được họ trả lương/được hưởng lương xứng đáng hay không.
Khảo sát trực tuyến là công cụ, còn phương pháp khảo sát gồm thống kê, chọn mẫu và kiểm chứng. Quy trình này trải qua nhiều bước: Trước tiên là đối tượng tham gia và thông tin đầu vào. Ví dụ khi doanh nghiệp tham gia khảo sát, nhóm chuyên gia sẽ xác thực qua mã số thuế, thông tin doanh nghiệp đăng kí với cơ quan quản lý nhà nước. Bước hai, đối tượng tham gia phải chọn chức danh khảo sát cụ thể trong 2000 chức danh được đưa ra và điền mô tả công việc vụ thể.
Đến hiện tại, nhóm khảo sát chỉ mới thu thập dữ liệu của 700 chức danh. Bước thứ ba, nhóm chuyên gia sẽ thẩm định mức lương, thưởng đối tượng tham gia khảo sát đưa ra. Nếu có bất thường sẽ liên hệ đơn vị khảo sát xác thực. Đơn vị khảo sát trực tuyến cho biết thực tế có 500 doanh nghiệp tham gia nhưng phải lược bỏ 200 doanh nghiệp vì họ điền thông tin chỉ muốn lấy báo cáo miễn phí.