Thượng tá công an này đã nhận hơn 3 tỷ đồng của người dân để “chạy” vào các trường đào tạo công an, tuy nhiên, không chạy được, người dân tố cáo với đầy đủ bằng chứng.
Đáng chú ý rằng những bằng chứng này là những tờ cam kết được cho là chính ông Thượng tá này viết tay, ký nhận. Hình thức của tờ cam kết giống hệt một văn bản hợp pháp đủ tiêu đề, tên tuổi, chức vụ và được lập tại chính trụ sở của cơ quan công an – nơi ông này công tác. Nội dung cũng ghi rõ số tiền cụ thể, “chạy” vào trường nào với cam kết rõ ràng là đến một thời hiệu nhất định nào đó mà không được thì hoàn trả lại tiền, đồng thời “chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Qua việc này, ta thấy thủ đoạn của tội phạm chẳng tinh vi mà cũng không cần che giấu, chắc như đinh đóng cột, gây sự tin tưởng tuyệt đối cho nạn nhân. Một điểm đáng lưu ý nữa là hành vi phạm tội diễn ra rất ngang nhiên, đem chức vụ, nghề nghiệp của mình ra làm sự đảm bảo và pháp luật làm lá chắn. Hành vi lừa đảo mà cam kết là “chịu trách nhiệm trước pháp luật” thì quả là quá coi thường pháp luật.
Hơn nữa, đây là một sỹ quan Công an, Phó trưởng phòng, nắm rất rõ pháp luật, biết rõ hành vi của mình là sai trái mà tiến hành một cách công khai, để lại chứng cứ, chứng tỏ ông ta không biết ai, không lo đến hậu quả sẽ xảy ra. Những động thái này khiến người ta có cảm tưởng rằng việc “chạy” vào các trường công an là quá bình thường, “chạy” được và không phải “lăn tăn” về chuyện vi phạm pháp luật.
Tình trạng mạo danh cán bộ ngành Công an để “chạy” trường đã diễn ra nhiều năm nay, không ít vụ bị phát hiện và đã xử lý, tuy nhiên, bằng chính chức vụ của mình, chính danh đứng ra “chạy” thì trường hợp của ông Thượng tá này là hy hữu. Vì thế chăng mà vụ việc đã bị người dân tố cáo từ lâu, báo chí đã phanh phui mà đến bây giờ, sau hai tháng, Công an tỉnh Đắk Lắk mới có quyết định khởi tố vụ án?
Vụ án không lớn, chỉ một người thực hiện, không liên quan đến đường dây “chạy” trường nào nhưng để lại cho chúng ta một sự lo ngại về tình trạng “chạy” vào các trường công an và sự coi thường pháp luật, lo ngại cho những người không do tuyển chọn, không đủ tiêu chuẩn mà vẫn vào ngành, thì lực lượng bảo vệ pháp luật sẽ ra sao khi có những thành viên như vậy trong đội ngũ?.