Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để nâng cao công tác đảm bảo ATGT năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh 8 nhóm vụ trọng tâm và đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP tổ chức triển khai, thực hiện.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh TTXVN)
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức ngày 9/2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị cần nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; siết chặt công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông…

Tước gần 400.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn

Báo cáo tại Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/12/2022, toàn quốc xảy ra 11.457 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2021, số vụ TNGT giảm 38 vụ, tăng 598 người chết, giảm 214 người bị thương. Tuy nhiên, nếu so sánh với năm 2019 (trước khi xảy ra COVID-19), số vụ TNGT giảm 6.216 vụ (giảm 35,2%), giảm 1.246 người chết (giảm 16,3%), giảm 5.841 người bị thương (giảm 42,81%).

Về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 4.000 tỷ đồng, tước gần 400.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ trên 600.000 phương tiện các loại.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Ban ATGT Quốc gia đặt ra mục tiêu hàng đầu là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông; phấn đấu kéo giảm TNGT từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2022; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Liên quan đến sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng bày tỏ, hiện nay tất cả các vi phạm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang “chịu trận”, trong khi vai trò trách nhiệm của các địa phương là rất lớn. “Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải phân cấp, phân quyền nhưng sẽ siết chặt thanh, kiểm tra. Các Sở giao thông Vận tải và UBND tỉnh cần phân tích rất rõ ranh giới, phối hợp nhau để chỗ nào có lỗ hổng thì bịt vào, quy định lỏng lẻo phải có ý kiến để siết lại, cái nào chặt quá thì mở ra… Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đang làm và đề nghị các tỉnh phối hợp làm tốt hơn, gắn với cả đồng trách nhiệm cụ thể” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Siết chặt quy định về quản lý hoạt động của các cơ sở đăng kiểm

Để nâng cao công tác đảm bảo ATGT năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh 8 nhóm vụ trọng tâm và đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP tổ chức triển khai, thực hiện. Trong đó có việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc; tiếp tục kiện toàn bộ máy, hoàn thiện quy chế hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cũng như các cơ quan thành viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bên cạnh đó, phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan, trong đó trọng tâm là xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Trật tự, ATGT đường bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; siết chặt quy định về quản lý hoạt động của các cơ sở đăng kiểm phương tiện; quy định về cấp và quản lý giấy phép vận chuyển hàng hoá quá khổ, quá tải… ; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số.

Ngoài ra, phải nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; tiếp tục duy trì các chương trình phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT; siết chặt công tác đào tạo và cấp giấy phép lái xe; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông…

Cũng trong ngày 9/2, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức lễ ra quân “Năm ATGT 2023”.

Phát biểu phát động “Năm ATGT 2023”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia đã có kế hoạch triển khai thực hiện Năm ATGT 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, nêu gương thực hiện “Thượng tôn pháp luật”, tạo động lực để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho cả xã hội.

Các cơ quan chức năng kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, ATGT, nhất là vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe; vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định; vi phạm chở hàng quá tải trọng; phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng và tuyệt đối ATGT trong các dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông…

Đọc thêm