Thưa ông, có thể thấy, trong Quân đội, về văn hóa, dấu ấn đậm nét nhất năm 2018 là Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân 2018. Không phải chỉ để đi thi, Hội diễn là nơi những nét văn hóa nghệ thuật dân tộc độc đáo được tái hiện và phát triển; nơi hình tượng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được tôn vinh. Qua Hội diễn, Thượng tướng có thể cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong Quân đội hiện nay?
- Tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018 là bước cụ thể hóa, thực hiện chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về văn hóa với mục tiêu đưa văn hóa ngang tầm với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, kế thừa phát huy giá trị văn hóa cách mạng của đất nước, của dân tộc.
Khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của “Đề án Quy hoạch và xây dựng các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân” và nâng cao vai trò, vị thế của hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Quân đội trong đời sống xã hội. Thực sự là vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng văn hóa, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị tư tưởng.
Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân 2018 là dịp để các đoàn văn công chuyên nghiệp của Quân đội báo cáo kết quả hoạt động 5 năm qua, đồng thời quảng bá các tác phẩm xuất sắc nhất, giới thiệu những tài năng mới trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Hội diễn cũng cho thấy vị trí, vai trò của hoạt động biểu diễn nghệ thuật Quân đội đối với đời sống xã hội, phản ánh chất lượng biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng lực lượng, bồi đắp mối đoàn kết quân dân; đồng thời động viên, khích lệ đội ngũ nghệ sĩ Quân đội phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật, tích lũy thành tích cá nhân, làm giàu cho kho tàng văn hóa nghệ thuật cách mạng.
Một tiết mục tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018 |
Hội diễn còn là bức tranh tổng thể về thế mạnh từng lực lượng, bản sắc văn hóa từng vùng miền. Đồng thời, có sự trao đổi, giao lưu học hỏi giữa các đoàn văn công. Chương trình của các đoàn tham gia đặc sắc và mang dấu ấn của từng quân chủng, quân khu rất rõ nét.
Thưa ông, Hội diễn có các hình thức tổ chức nào mới để đông đảo công chúng có cơ hội thưởng thức tác phẩm?
- Lần đầu tiên, công chúng Thủ đô được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc của các đoàn văn công chuyên nghiệp của các quân khu, quân chủng, các nhà hát của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam như: Nhà hát kịch, ca múa nhạc, chèo... trình diễn tại các địa điểm công cộng. Đây là một cái nhìn mới của những người làm công tác tư tưởng văn hóa, đưa nghệ thuật đến gần khán giả, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của công tác chính trị trong tình hình mới.
Hội diễn khuyến khích đăng tải các tác phẩm, hình ảnh và chương trình của các đoàn lên mạng internet, qua các kênh youtube, facebook và các mạng xã hội có đông đảo công chúng tham gia để mọi người có cơ hội thưởng thức tác phẩm.
Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên nền tảng kế thừa di sản văn hóa của cha ông, kết hợp học hỏi những tinh hoa văn hóa nhân loại cần được đặc biệt chú trọng.
Điều đó thể hiện qua chủ đề của Hội diễn, với các tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật theo chủ đề “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Tình đoàn kết chiến đấu 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia”, các dòng nhạc dân ca, dòng nhạc cách mạng, truyền thống và đương đại...
Thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, quan điểm, mục tiêu về văn hóa, văn nghệ của Đảng, của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, tiếp tục xây dựng nhà hát, các đoàn văn công quân đội với tính “Cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại và tinh gọn”.
Ngày càng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp phẩm chất của người nghệ sĩ - chiến sĩ; phát huy những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nghệ thuật thế giới và khu vực; động viên và phát huy tài năng, sự cống hiến, lao động sáng tạo của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên để tiếp tục sáng tạo nên những chương trình, vở diễn có giá trị về tư tưởng, tính nghệ thuật cao, phục vụ bộ đội và nhân dân.
Xin ông cho biết kết quả sau 3 năm thực hiện Thông tư 104/2014/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần trong QĐND Việt Nam?
- Ngày 13/8/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành Thông tư số 104/2014/TT-BQP (gọi tắt là Thông tư 104) thay thế Thông tư số 24/2009/TT-BQP quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trang bị, vật tư, sách báo và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa phục vụ công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong Quân đội.
Việc ban hành Thông tư 104 là một chủ trương đúng, được các cấp trong toàn quân triển khai hiệu quả, bảo đảm tốt định mức, tiêu chuẩn sách, báo, tạp chí, chế độ, tiêu chuẩn hoạt động văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ, tổ chức của các thiết chế văn hóa.
Theo đánh giá của các đơn vị, sau ba năm thực hiện (2015 - 2018), Thông tư 104 đã khắc phục được những bất cập, hạn chế của quy định trước đây, bao quát toàn diện, phù hợp với thực tiễn, hướng về đơn vị cơ sở, ưu tiên đơn vị chiến đấu, đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần bộ đội, góp phần xây dựng Quân đội chính quy, vững mạnh.
Hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ CTĐ, CTCT theo quy định tại Thông tư 104 đã đồng bộ hơn, từng bước hiện đại. Văn hóa tinh thần, nhất là ở đơn vị cơ sở được quan tâm, có sự chuyển biến tích cực.
Đáng chú ý là một số đơn vị đã sáng tạo trong cách làm, biết huy động các nguồn lực để chăm lo tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ngân sách Bộ Quốc phòng bảo đảm, các đơn vị đã chủ động khai thác nhiều nguồn kinh phí khác với giá trị hàng trăm tỷ.
Về đảm bảo sách, toàn quân có 623 thư viện, phòng đọc với số lượng đầu sách được bổ sung thường xuyên, phong phú về thể loại, có chất lượng tốt. Kế hoạch tiếp nhận và mua sách theo đúng quy định, bình quân đạt 260-300 trang sách/người/năm. Sách được quản lý chặt chẽ, không có sách xấu, độc thẩm lậu, lưu hành trong các cơ quan, đơn vị.
Ở các đơn vị, nhất là đơn vị đóng quân ở biên giới, quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên mượn sách đọc trong giờ nghỉ, ngày nghỉ và đọc sách để nâng cao kiến thức, giải trí lành mạnh.
Theo quy định của Thông tư 104, số đầu sách trang bị cho các thư viện cơ sở được tăng lên, chủng loại phong phú. Các đơn vị còn làm tốt công tác luân chuyển sách nên cán bộ, chiến sĩ khi được hỏi đều hài lòng về tủ sách ở đơn vị.
Về bảo đảm chế độ xem phim, các đơn vị bộ đội chủ lực đã duy trì, thực hiện nghiêm quy định chiếu phim của Bộ Quốc phòng. Việc cấp phát đĩa hình bảo đảm đủ tiêu chuẩn đến cấp đại đội và tương đương.
Các cơ quan, đơn vị có nhiều đổi mới về hình thức hoạt động, phát huy hiệu quả, vai trò, công năng của các thiết chế văn hóa, gắn với đời sống sinh hoạt của bộ đội như: Thi Phòng Hồ Chí Minh, tuyên truyền, giới thiệu theo các chuyên đề…; tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm tại bảo tàng, phòng truyền thống phục vụ tham quan; sưu tầm, quản lý, bảo quản tài liệu, hiện vật đáp ứng công tác tuyên truyền, giáo dục và phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Về tổ chức và hoạt động của các thiết chế văn hóa, các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị đã tích cực, chủ động trong chỉ đạo, thống nhất về trưng bày, trang trí khánh tiết, xây dựng quy chế hoạt động và thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết chế văn hóa ở đơn vị cơ sở.
Một số thiết chế văn hóa lớn đã, đang và sẽ được xây dựng như: Nhà hát Quân đội, trụ sở Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Kinh phí củng cố, nâng cấp, duy trì hoạt động có hiệu quả của 29 bảo tàng, 637 phòng (nhà truyền thống), 2.282 Phòng Hồ Chí Minh trong toàn quân được bảo đảm.
Định hướng đến năm 2020, quy hoạch và phát huy hiệu quả vai trò, công năng của các thiết chế văn hóa trong Quân đội, gắn thực hiện Thông tư 104 với triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị”; “Hiện đại hóa cơ quan báo chí”... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CTĐ, CTCT trong tình hình mới.
Xin cảm ơn ông!